Vận dụng tối ưu dạy học tích hợp định hướng phát triển năng lực người học

GD&TĐ - Đây là đề tài nghiên cứu vừa được nhận giải thưởng "Tri thức trẻ vì Giáo dục" của thầy Nguyễn Anh Đức - trường THPT Vũ Duy Thanh (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). GD&TĐ có cuộc trò chuyện với thầy Anh Đức xung quanh vấn đề dạy học tích hợp.

Thầy Nguyễn Anh Đức, Trường THPT Vũ Duy Thanh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình – người có nhiều thành tích, sáng kiến hay cho sự nghiệp Giáo dục
Thầy Nguyễn Anh Đức, Trường THPT Vũ Duy Thanh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình – người có nhiều thành tích, sáng kiến hay cho sự nghiệp Giáo dục

Được biết trong cuộc thi "Tri thức trẻ vì Giáo dục " do Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, thầy đã vinh dự là 1 trong 16 người lọt vào vòng chung khảo vì đã có sáng kiến hay cống hiến cho đổi mới Giáo dục, với đề tài: "Vận dụng tối ưu dạy học tích hợp định hướng phát triển năng lực người học" . Xin thầy cho biết lý do chọn đề tài này để nghiên cứu?

DHTH là yêu cầu thiết yếu đối với giáo dục phổ thông trên thế giới, nhưng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn cần tháo gỡ ở Việt Nam. Qua phỏng vấn và phát phiếu điều tra GV, HS về DHTH, tôi lại thấy rõ hơn những bỡ ngỡ này. Mặt khác, theo thông báo từ bộ GD&ĐT, chương trình Giáo dục phổ thông sau 2015, dự định triển khai đại trà vào năm 2018 sẽ dạy học theo quan điểm, phương pháp tích hợp. Vì vậy, thúc đẩy tôi thực hiện đề tài này.

Thầy có thể cho biết khái quát nội dung của đề tài này?

Đề tài này khá dài, 98 trang. Trong đó, có tới 64 trang dành cho phần thực nghiệm các bài dạy, các sản phẩm HS thiết kế, chế tạo, trải nghiệm về DHTH, chiếm tới 65% (gần 2/3) tổng dung lượng đề tài; phần cơ sở lí luận rất nhiều nhưng được chắt lọc chỉ có 20 trang, cũng chiếm 20% (chưa đến ¼) tổng dung lượng đề tài trình bày những nét khái quát nhất từ định nghĩa, đặc điểm, nguyên tắc, quy trình DHTH, cấu trúc giáo án tích hợp, được chú dẫn nguồn đầy đủ, theo tiêu chuẩn khoa học; phần còn lại 15% dành cho tác giả trình bày các kết quả điều tra, đánh giá quan trọng của GV, HS, những đối tượng then chốt của quá trình giáo dục đưa ra ý kiến nên lựa chọn mô hình DHTH nào cho phù hợp với điều kiện Việt Nam…

Qua nội dung này thầy muốn truyền tải gì đến người học?

Rất nhiều điều mà tôi muốn truyền tải tới người học qua đề tài này. Tôi muốn hình thành ở các em các khả năng hoạt động tốt trong các tình huống đa dạng của đời sống mà sau này các em sẽ đối mặt, hình thành cho các em các kĩ năng theo từng bậc từ vỡ vạc đến trung bình đến thành thạo.

Ví dụ, kĩ năng thuyết trình trước nhiều người; kĩ năng khai thác thông tin; kĩ năng điều tra, nghiên cứu khoa học, trích dẫn nguồn đúng đắn, đầy đủ; kĩ năng thiết kế, chế tác các sản phẩm thật như mô hình nhà máy thủy điện, tên lửa nước có dù, thuyền buồm, …

Các hoạt động ngoại khóa, hoạt động nhóm hữu ích, trải nghiệm khoa học ứng dụng như việc phóng Tên lửa nước bung dù, làm báo tường chuyên đề bộ môn, tham quan các cơ sở thực tế như phòng chụp X – quang của bệnh viện huyện – tỉnh, …

Theo thầy, phương pháp này giúp ích gì cho HS?

Những điều tôi muốn truyền tải đến người học giúp các em hình thành năng lực từng bậc từ vỡ vạc sơ khai, đến mức độ trung bình rồi thành thạo; giúp các em tiệm cận tới những vấn đề cấp thiết của giáo dục toàn cầu như chống biến đổi khí hậu – hủy diệt hành tinh xanh, sử dụng năng lượng sạch không xả thải CO2 rất bức thiết ở nước ta, …

So với phương pháp dạy học truyền thống, phương pháp này có hiệu quả gì, thưa thầy?

Phương pháp dạy học truyền thống dễ xảy ra thói quen, tình trạng “tư duy khép kín”, chủ yếu dạy diễn giảng, ít dùng phương tiện kĩ thuật tích cực, làm việc cá nhân nhiều, tương đối thụ động, kết quả thường là ghi nhớ, tái hiện (học thuộc) các kiến thức, kĩ năng đã học trong 1 môn học.

Còn DHTH giúp các em có cái nhìn rộng mở hơn nhiều, xử lí nội dung học tập trong mối quan hệ liên môn, gắn liền với thực tiễn đời sống, GV áp dụng nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, làm việc theo nhóm năng động - hữu ích... nhằm hình thành và phát triển đa dạng năng lực HS đáp ứng nhu cầu thiết thực của xã hội.

Học sinh của thầy đã có phản ứng như thế nào khi thầy áp dụng phương pháp dạy học này?

Hứng khởi - thích thú, đam mê sáng tạo là những điều tôi nhận thấy đầu tiên. Tôi tâm đắc với quan điểm này, thay vì cho các em vài con cá ngon, hãy cho các em 1 cái cần câu tốt và chỉ cho chúng đúng cách câu. Vì thế, khi tôi hướng dẫn quy trình chế tạo, các em say mê chế tác rất nhiều Tên lửa nước với nhiều loại dù khác nhau mà tôi thực sự ngỡ ngàng, kết quả đã có 1 triển lãm sinh động về Công nghệ Tên lửa nước, …

Trong tiết học thì sự hứng khởi với các hiện tượng được gắn với thực tiễn làm học sinh rất thích thú trải nghiệm, tìm kiếm. Qua ánh mắt, nụ cười các em tôi biết bài học đã làm các em thấy ý nghĩa.

Thầy Nguyễn Anh Đức vinh dự được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng tặng Bằng khen

Thầy Nguyễn Anh Đức vinh dự được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng tặng Bằng khen

Được chọn là 1 trong 16 công trình đoạt giải thưởng "Tri thức trẻ về Giáo dục" lần này thầy có cảm xúc gì? Mong muốn gì về chương trình?

Có tới 71,7% số HS THPT được hỏi chọn phương án kết hợp Dạy học tích hợp và dạy học riêng rẽ từng môn;

60% số GV THPT được hỏi cho biết họ còn nhiều bỡ ngỡ về DHTH và cũng 60% số GV THPT cho rằng nên kết hợp DHTH với dạy học riêng rẽ từng môn.

Cảm xúc vui, phấn khởi vì những đầu tư công phu của mình trong hơn 2 năm qua đã được ghi nhận.

Tôi đã tham gia nhiều cuộc thi nhưng chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” là cơ hội mới mẻ và độc đáo nhất giúp các tác giả trẻ giới thiệu, quảng bá những sản phẩm tâm huyết, ích lợi tới mọi người. Tập hợp những đóng góp ấy tạo thành hợp lực thiết thực thúc đẩy giáo dục gỡ bỏ rào cản tiến lên.

Tôi kì vọng những năm tới với sự tham gia của các anh, chị, em thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, những người thấu tỏ bất cập giáo dục trong nước, sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa để cải tiến giáo dục như nghị quyết của BCH TW mong đợi.

Là một người thầy luôn tận tâm với nghề thầy có mong muốn gì cho việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay?

Phương pháp dạy học với vai trò là cách thức, con đường truyền tải tri thức đến người học, là một thành tố của quá trình dạy học và giáo dục nói chung. Sẽ có nhiều con đường dài, ngắn, công năng khác nhau giữa người thầy và người học. Tôi mong rằng, đổi mới PPDH cần hướng đến hiệu quả thiết thực, tránh kiểu hình thức.

Ví dụ phương pháp dạy học nhóm, tôi thấy các thầy/cô đi thi GV giỏi cấp tỉnh, nhiều người cứ loay hoay vận dụng, ngay cả khi chính bản thân GV ấy cũng thấy bài này, phần này chưa thực sự cần dùng, dạy bình thường không dùng nhưng cứ đi thi thì vẫn dùng cho nó có cái hình thức của phương pháp mới.

Khi tham gia tập huấn đổi mới phương pháp dạy học, tôi thấy nhiều GV của các trường đại học danh tiếng Havard dạy thuyết trình mà người học bị lôi cuốn quá chừng, sinh động quá chừng kiểu như anh Nick Vujicic vậy. Như thế, ta cần phối hợp các phương pháp, chuyên luyện cho nó thành tuyệt đỉnh hấp dẫn để dễ dàng sử dụng khi cần.

Ngay cả quan điểm và phương pháp Dạy học tích hợp mà tôi đang nghiên cứu và tổng kết thực tiễn cũng thế. Nhiều thầy/cô khi được phỏng vấn cho rằng, có bài tích hợp nhiều, có bài tích hợp ít, có bài không tích hợp. Qua điều tra GV - HS về DHTH, tôi thấy 1 kết quả rất hay mà theo đó đảm bảo tiến trình đổi mới giáo dục không bị “sốc” dễ dẫn tới “đột quỵ” (thất bại);

GV và HS THPT đa số chọn mô hình dạy học tích hợp theo chủ đề (không chọn mô hình đa môn hay mô hình chuỗi vấn đề, gây khó khăn lớn cho GV, vì họ cho rằng GV THPT không ai được đào tạo vừa “đa khoa” mà lại chuyên sâu được, kiến thức ngày nay phát triển rất nhanh chóng, chỉ vài năm kiến thức thế giới đã tăng gấp đôi, ngay cả Tiến sĩ cũng chỉ đào tạo trong 1 chuyên môn hẹp). Mô hình đa môn hay mô hình chuỗi vấn đề theo 1 nghiên cứu khác sẽ phù hợp cho cuối cấp Tiểu học và cấp THCS, khi lượng kiến thức mới còn đơn giản và nhẹ nhàng.

Trân trọng cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.