Vận dụng sáng tạo đưa trò chơi dân gian vào trường học

GD&TĐ - Đưa trò chơi dân gian vào hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, ngày lễ kỷ niệm giúp học sinh hứng thú với bài học.

Hà Nội yêu cầu đưa trò chơi dân gian vào tất cả trường học từ năm học 2024 - 2025. Ảnh: Việt Cường
Hà Nội yêu cầu đưa trò chơi dân gian vào tất cả trường học từ năm học 2024 - 2025. Ảnh: Việt Cường

Nhiều nhà trường đã thực hiện sáng tạo, linh hoạt tạo nên chuyển biến tích cực trong học sinh.

Học sinh hào hứng

Không đơn điệu với động tác gập cổ, vai, xoay tay, ném bóng, giờ đây các tiết thể dục của Trường Tiểu học Tam Khương (quận Đống Đa, Hà Nội) hứng thú hơn khi học sinh được chơi trò chơi dân gian trong khuôn viên trường học.

Nguyễn Khánh Chi - học sinh Trường Tiểu học Tam Khương cho biết, em thấy vui vì có phút giây thư giãn cùng bạn sau giờ học căng thẳng, mệt mỏi. Những trò chơi này giúp em rèn luyện thể chất, trí tuệ và gắn kết với bạn trong lớp.

Học sinh thành phố thường bị ảnh hưởng bởi các trò chơi điện tử, máy tính, ít có điều kiện tham gia trò chơi dân gian. Chia sẻ quan điểm, cô Nguyễn Thu Hoài - Trường Tiểu học Tam Khương đồng thời nhìn nhận: Tham gia trò chơi, học sinh được rèn luyện thể chất, khéo léo, nhanh nhẹn hoạt bát và tạo sự hoà đồng, thân thiện, đoàn kết. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh cũng giúp trẻ thêm hào hứng với học tập, sống thân thiện, hồn nhiên. Vui chơi lành mạnh còn tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế tật xấu, rèn luyện thể chất, tâm hồn theo chiều hướng tích cực.

Hướng tới mục tiêu “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, những năm học gần đây, Trường Tiểu học Phú Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội) đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian cho học sinh. Cô Hiệu trưởng Huỳnh Thị Thanh Bình trao đổi: Công nghệ thông tin bùng nổ, học sinh bị lôi cuốn vào trò chơi điện tử, trong đó có nhiều trò bạo lực gây ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần. Đưa trò chơi dân gian vào trường học mang ý nghĩa lớn; không chỉ là sân chơi bổ ích, lành mạnh mà còn góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, nhà trường đã chuẩn bị điều kiện và hướng dẫn để học sinh vui chơi trong giờ giải lao như: Ô ăn quan; bịt mắt bắt dê; rồng rắn lên mây… Việc này được đông đảo giáo viên, phụ huynh và học trò hồ hởi đón nhận. Hằng ngày, vào giờ ra chơi, mỗi góc sân trường mang nét văn hóa đặc trưng riêng của dân tộc thể hiện qua trò chơi dân gian. Học sinh lớp 1, lớp 2 và 3 chơi “Rồng rắn lên mây” rèn luyện thể chất, sự nhanh nhẹn, linh hoạt. Trong khi đó, trò chơi Ô ăn quan lại được học sinh lớp 4 - 5 hào hứng lựa chọn.

Học sinh Trường Tiểu học Tam Khương hào hứng với các trò chơi dân gian. Ảnh: Việt Cường

Học sinh Trường Tiểu học Tam Khương hào hứng với các trò chơi dân gian. Ảnh: Việt Cường

Vận dụng sáng tạo

Tháng 10/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành kế hoạch; hướng dẫn cơ sở giáo dục đưa trò chơi dân gian vào hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, hoạt động trong các ngày lễ, kỷ niệm. Hướng dẫn đầy đủ tên trò chơi; cách, luật và gợi ý trò chơi ở mỗi cấp học.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, quá trình sưu tầm, soạn thảo luật chơi rất công phu. Chẳng hạn, trò chơi Rồng rắn lên mây quan trọng ở người đứng đầu hàng và thầy thuốc. Người đứng đầu hàng phải ngăn cản thầy thuốc bắt đuôi của mình, trong khi người thầy thuốc cố gắng bắt được đuôi của người đầu hàng. Trò chơi đòi hỏi người chơi lanh lẹ và tinh mắt. Các trò chơi dân gian mang tính sáng tạo cao, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Trò chơi không chỉ tăng cường tinh thần đoàn kết trong tập thể, góp phần xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, còn duy trì, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu việc tổ chức phải đảm bảo thường xuyên, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp cấp học. Nhà trường thực hiện đánh giá, giao lưu để học sinh tham gia, tạo hứng thú tập luyện, yêu thích trò chơi dân gian...

Theo kế hoạch, các trường có nhiệm vụ lựa chọn trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi, giới tính, cấp học, điều kiện cơ sở vật chất. Có thể áp dụng một số trò chơi: Cướp cờ, Rồng rắn lên mây, Kéo co, Bịt mắt bắt dê, Đua thuyền trên cạn, Nhảy bao bố, Ô ăn quan, Mèo đuổi chuột, Cá sấu lên bờ, Nhảy dây, Đá gà, Nhảy lò cò, Khiêng kiệu, Trồng nụ trồng hoa, Truyền tin… tùy thực tế.

Nhà trường cũng có thể tổ chức trò chơi dân gian vào giờ học môn Giáo dục thể chất, buổi chào cờ, tiết sinh hoạt lớp, tập thể, hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, cần chuẩn bị cơ sở vật chất trên nguyên tắc tận dụng tối đa điều kiện trang thiết bị sẵn có, công trình đã đầu tư, đảm bảo chuyên môn và tuyệt đối an toàn.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đưa trò chơi dân gian vào môn Giáo dục thể chất cần vận dụng sáng tạo để đạt hiệu quả. Tùy từng bài thể dục mà chọn trò chơi dân gian phù hợp với yêu cầu, mục đích; thực hiện đúng mục tiêu của tiết dạy thể chất. Với trường chưa đủ cơ sở vật chất phải vận dụng phù hợp.

Tích hợp giáo dục thể chất với trò chơi dân gian không những giúp học sinh hào hứng hơn với môn học. Không chỉ được chơi, khám phá để phát triển thể chất, các em còn có điều kiện tìm hiểu thêm về văn hóa dân gian. Qua đó khơi dậy trong học sinh tình yêu quê hương, văn hóa cũng như hiểu thêm trí tuệ cha ông, có ký ức đẹp đẽ, trong trẻo về tuổi thơ. Các trò chơi dân gian vì thế cũng được tái hiện thường xuyên hơn, không chỉ những dịp như hội, Trung thu... mới được biết đến.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: Phòng đã ban hành kế hoạch thực hiện đưa trò chơi dân gian vào tất cả trường học trên địa bàn quận. Hầu hết thầy cô giáo, nhà trường ủng hộ kế hoạch này và nhận định đây là hoạt động thiết thực góp phần xây dựng văn hóa học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bàn Bida Chính hãngTường thuật xổ số miền bắc siêu nhanh