Vận dụng kiến thức nhiều môn học làm hấp dẫn bài học Lịch sử

GD&TĐ - Làm thế nào để một tiết dạy học Lịch sử nhẹ nhàng và dễ hiểu; các kiến thức lịch sử được truyền tải không quá khó và khô khan - giải pháp cô Đặng Thị Bích Bông (Trường THPT Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) - đưa ra là vận dụng kiến thức nhiều môn học trong bài dạy Lịch sử.

Vận dụng kiến thức nhiều môn học làm hấp dẫn bài học Lịch sử

Theo cô Đặng Thị Bích Bông, khi vận dụng kiến thức nhiều môn học để làm rõ nội dung bài học Lịch sử, qua bài học học sinh sẽ thấy được: Trong môn Lịch sử có nhiều kiến thức liên quan đến các môn học khác rất phong phú, tạo cho học sinh sự đam mê, yêu thích môn Lịch sử; giúp học sinh khắc sâu kiến thức và hiểu rõ hơn lịch sử dân tộc, từ đó thêm yêu quê hương đất nước, thêm tự hào về truyền thống yêu nước của cha ông. Thông qua vận dụng kiến thức các bộ môn khác vào bài học làm sáng tỏ, tạo hứng thú và kích thích học sinh học tập Lịch sử…

Cô Đặng Thị Bích Bông lấy ví dụ cụ thể cho phương pháp này với bài 20 - “Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953-1954), Lịch sử lớp 12, Ban cơ bản như sau:

Khi nói về vị trí quan trọng của Điện Biên Phủ: Mục 2, phần II, Bài 20 - Lịch sử lớp 12 - Ban cơ bản, giáo viên liên hệ kiến thức Địa lí: Điện Biên Phủ là một thung lũng sát biên giới Việt-Lào, cách Hà Nội 300 km, cách hậu phương của ta (Việt Bắc, Thanh - Nghệ - Tĩnh) từ 300 đến 500 km. Điện Biên Phủ có địa hình lòng chảo, dài 18 km, rộng 6 đến 8km, núi bao bọc.

Trong diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ, để nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất, hy sinh quên mình cho Tổ quốc của các chiến sĩ cách mạng, thay vì sử dụng phương pháp thuyết giảng, kể chuyện, giáo viên trích dẫn một đoạn trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu: “... Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt… Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện... "

Giáo viên nêu tên các chiến sĩ: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai chặn hỏa lực địch,... đã động viên, khích lệ, tăng thêm sức mạnh tinh thần cho chiến sĩ pháo binh và thanh niên toàn mặt trận làm tròn nhiệm vụ.

Giáo viên cũng có thể sử dụng bài hát “Giải phóng Điện Biên” khi nêu ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ…

Hoặc, khi trình bày ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, giáo viên có thể liên hệ kiến thức một số môn học như sau để giáo dục học sinh lòng yêu quê hương đất nước:

Môn Giáo dục công dân: Lòng yêu nước làm nên sức mạnh của dân tộc; từ đó bồi dưỡng học sinh có ý thức trong việc bảo vệ quê hương, đất nước.

Tích hợp bảo vệ môi trường: Chiến tranh tàn phá gây ô nhiễm môi trường (các loại vũ khí độc hại, di chứng của chiến tranh, nhà cửa bị tàn phá, cây cối bị thiêu rụi, chết do hóa chất, ảnh hưởng đến đời sống con người).

hợp giáo dục kĩ năng sống: Giáo dục học sinh có thái độ yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh…

Cô Đặng Thị Bích Bông cho rằng, hiện nay, trong quá trình dạy học trên lớp, hoạt động trí tuệ chủ yếu của học sinh là ghi nhớ và tái hiện. Ở nhà, học sinh tự học dưới dạng học bài và làm bài, nhưng về căn bản đã được hướng dẫn ở lớp, nên hoạt động trí tuệ của học sinh vẫn nặng về rèn luyện trí nhớ và khả năng tái hiện.

Then chốt của việc đổi mới phương pháp dạy học là điều chỉnh mối quan hệ giữa tái hiện và sáng tạo, đến việc tăng cường các phương pháp sáng tạo nhằm đổi mới tính chất hoạt động nhận thức của học sinh trong học tập. Trên cơ sở đó, tăng cường hoạt động phân tích tổng hợp, so sánh, trừu tượng hoá, khái quát hoá, tưởng tượng và sáng tạo của học sinh trong quá trình dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.