Vận đơn đường biển điện tử-Bước đột phá chuyển đổi số,tài trợ thương mại quốc tế

GD&TĐ -Electronic Bill of Lading–e -B/L là hình thức mới của Vận đơn đường biển, dựa trên thành tựu phát triển công nghệ thông tin. 

Vận đơn đường biển điện tử-Bước đột phá chuyển đổi số,tài trợ thương mại quốc tế

Vận đơn đường biển điện tử (Electronic Bill of Lading – e-B/L) là một hình thức mới của Vận đơn đường biển, được hình thành vào cuối thế kỷ XX. Về bản chất đây là một hình thức trao đổi dữ liệu điện tử (EDI - Electronic Data Interchange).

Vận đơn đường biển điện tử (e-B/L) là một thông điệp điện tử có nội dung và cấu trúc theo những tiêu chuẩn thống nhất được chuyển từ nơi này sang nơi khác thông qua hệ thống điện tử viễn thông mà không có sự can thiệp của phương thức lưu chuyển cơ học để thay thế cho vận đơn giấy trong hoạt động vận tải.

Bản chất của e-B/L là một thông điệp dữ liệu điện tử, chứa đựng các thông tin như trên vận đơn truyền thống, được vận hành trong một hệ thống, mà theo đó, vận đơn sẽ được phát hành và lưu chuyển như một chứng từ vận tải có giá trị sở hữu hàng hoá.

Việc sử dụng vận đơn điện tử cho phép các đối tác thương mại nhận được hàng hóa nhanh hơn, giải phóng vốn lưu động dọc theo chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp hội Vận tải Container Kỹ thuật số (DCSA) ước tính rằng việc áp dụng e-BL hiện chỉ chiếm 0,1% tổng số vận đơn phát hành và việc tăng tỷ lệ áp dụng e-BL lên 50% trong tương lai có thể giúp ngành hàng hải tiết kiệm hơn 4 tỷ USD mỗi năm.

Triển vọng áp dụng e-B/L ở Việt Nam

Sự cần thiết áp dụng vận đơn đường biển ở Việt Nam

Thứ nhất, việc áp dụng e-B/L giúp ngành hàng hải Việt Nam cập nhật xu hướng phát triển mới của thế giới với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đặc biệt là EDI vào vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Đi kèm với việc cập nhật về mặt công nghệ và kĩ thuật là việc cập nhật các quy định pháp lý theo các chuẩn mực quốc tế để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động mới mẻ này.

Thứ hai, việc áp dụng e-B/L sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục hành chính, giám sát và kiểm tra của các cơ quan chức năng (hải quan, cảng vụ,…), giảm thời gian ứ đọng hàng hóa tại các khâu này, nâng cao chất lượng hành chính công và tăng năng lực cạnh tranh cho ngành vận tải biển.

Thứ ba, việc ứng dụng e-B/L sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí quản lý cho các doanh nghiệp nói riêng và từ đó tạo ra hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Đánh giá triển vọng áp dụng vận đơn đường biển điện tử ở Việt Nam

Hành lang pháp lý

Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có điều luật cụ thể nào điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ việc sử dụng e-B/L. Vận đơn đường biển chịu sự điều chỉnh theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015. Điều 73 của Bộ Luật này quy định:

“Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hoá với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hoá dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển”.

Mặc dù Bộ luật không nói rõ vận đơn có bắt buộc phải bằng văn bản hay không, nhưng rõ ràng cách định nghĩa “vận đơn” như Điều 148 khoản 2 gây khó khăn cho việc thực hiện các giao dịch thương mại điện tử.

Cùng với hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã xây dựng và ban hành hệ thống luật và văn bản dưới luật tạo cơ sở pháp lý cho thương mại điện tử như Luật Thương mại năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật An ninh mạng năm 2018... và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được coi là nền tảng và là dấu mốc quan trọng nhất trong lĩnh vực này. Mặc dù Luật Giao dịch điện tử 2005 đã có những quy định về chữ ký điện tử nhưng Luật chưa quy định cụ thể về chữ ký an toàn, biện pháp, tiêu chuẩn bảo đảm chữ ký điện tử an toàn, cấp độ chữ ký điện tử, giá trị pháp lý theo từng cấp độ... Điều này đã tạo rào cản trong việc xác định giá trị pháp lý của chữ ký điện tử để ứng dụng trên thực tế, đồng thời cũng gây khó khăn khi giao dịch có tranh chấp.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có quy định pháp luật nào của Việt Nam giải quyết vấn đề cấp và chuyển giao các chứng từ điện tử mang tính sở hữu. Thậm chí, Điều 3 khoản 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử còn loại trừ vận đơn không thuộc chứng từ điện tử:

“Chứng từ điện tử trong Nghị định này không bao gồm hối phiếu, lệnh phiếu, vận đơn, hóa đơn gửi hàng, phiếu xuất nhập kho hay bất cứ chứng từ có thể chuyển nhượng nào cho phép bên nắm giữ chứng từ hoặc bên thụ hưởng được quyền nhận hàng hóa, dịch vụ hoặc được trả một khoản tiền”.

Điều này có nghĩa là các quy định về thương mại điện tử hiện hành không áp dụng cho vận đơn điện tử dưới dạng chứng từ sở hữu, trong khi đây lại là một trong ba chức năng quan trọng nhất của vận đơn. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam cũng chưa tham gia bất cứ Công ước quốc tế nào về vận chuyển hàng hoá bằng đường biển nói chung và Công ước quốc tế có điều chỉnh về e-B/L nói riêng.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin

Thứ nhất có thể nói chất lượng cơ sở hạ tầng thông tin hiện nay ở Việt Nam khá tốt khi hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông quốc gia được phát triển mạnh, phủ sóng rộng khắp. Điều này giúp củng cố chất lượng và tốc độ truy cập mạng internet cho các doanh nghiệp, giúp thông tin được truyền đi nhanh chóng, ổn định và an toàn.

Thứ hai, các chủ thể trong nền kinh tế đã và đang tích cực áp dụng công nghệ vào quy trình quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung và theo hình thức vận tải biển nói riêng. Điều này tạo ra sự thuận lợi cho việc đồng bộ về hạ tầng công nghệ và cơ sở dữ liệu giữa các chủ thể khi tham gia vận hành e-B/L:

Hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống khai hải quan điện tử là một một nền tảng quan trọng trong việc tiếp nhận e-B/L và các chứng từ điện tử khác thuộc bộ chứng từ khai hải quan.

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thành lập và đồng loạt áp dụng website cảng biển điện tử e-port tại các cảng biển lớn trên khắp cả nước nhằm phục vụ việc trao đổi dữ liệu giữa các hãng tàu và cảng biển về: thông tin của tàu nhập, tàu xuất, hệ thống khai báo manifest của hãng tàu, tình hình luân chuyển container.

Các hãng tàu hoạt động tại Việt Nam đều đã và đang tăng cường số hóa quy trình liên quan tới việc vận chuyển hàng hóa. Chính các hãng tàu này cũng đã triển khai vận đơn điện tử trong hệ thống dịch vụ của mình, đó là các hãng tàu: Maersk, MSC, Hapag-Lloyd, CMA CGM, ONE, Yangming, Evergreen, …

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh như các phần mềm, giải pháp hoạt động quản lý đa kênh, bán hàng online, quản trị kênh phân phối, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki…, 60% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm kế toán, trên 200.000 doanh nghiệp đang sử dụng các phần mềm hóa đơn điện tử, hầu hết các doanh nghiệp trang bị chữ ký số.

Theo cuộc khảo sát của trang Vietnam Report vào tháng 12 năm 2021, 100% các doanh nghiệp logistics đã thực hiện gia tăng đầu tư vào phần mềm công nghệ để xây dựng hệ thống quản lý và trao đổi thông tin các lô hàng một cách thông minh và tiện lợi nhất.

Có tới 86% công ty mong đợi việc chuyển đổi số sẽ giúp gia tăng đáng kể năng suất, hiệu quả kinh doanh; 36% doanh nghiệp ủng hộ việc áp dụng công nghệ vào quy trình vận hành Logistics giúp đáp ứng mức độ hài lòng của khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Gần 68% các doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động như Internet kết nối vạn vật – IoT, nền tảng điện toán đám mây – Cloud Computing, trí tuệ nhân tạo – AI, dữ liệu lớn – Big Data và nền tảng Blockchain…

Tuy nhiên rào cản về chất lượng công nghệ vận hành còn thiếu và yếu dẫn tới sự thiếu liên kết và đồng bộ dữ liệu trong chính nội bộ doanh nghiệp logistics, giữa doanh nghiệp với hãng chuyên chở, cụm cảng, và cơ quan hải quan.

Tập quán kinh doanh

Bên cạnh rào cản về hành lang pháp lý, tập quán kinh doanh cũng là một trở ngại rất lớn đối với việc đưa e-B/L vào đời sống kinh doanh. Rõ ràng e-B/L chỉ có thể được sử dụng khi có sự đồng thuận rộng rãi của các bên liên quan như các đối tác xuất nhập khẩu, vận tải, giao nhận, ngân hàng, bảo hiểm.

Tại thời điểm hiện tại, các đối tượng này vẫn quen thuộc với giao dịch chứng từ giấy và coi các chứng từ này là bằng chứng pháp lý không thể thay thế được. Việc sử dụng các dữ liệu điện tử thay thế vẫn còn vấp phải nhiều nghi hoặc và ngờ vực về độ tin cậy và khả năng bảo mật.

Trong cuộc khảo sát doanh nghiệp của Nguyễn Thái Sơn năm 2015, 29% doanh nghiệp cho rằng e-B/L chỉ có thể là bản sao lưu trữ và quản lí thông tin cho vận đơn đường biển truyền thống, 36% cho rằng e-B/L có thể thay thế một phần cho vận đơn đường biển truyền thống và chỉ có 35% tin rằng e-B/L có thể thay thế hoàn toàn cho vận đơn đường biển truyền thống.

Phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang sử dụng vận đơn đường biển truyền thống hoặc giấy gửi hàng đường biển (Seaway bill) và lựa chọn xuất trình chứng từ tới các chủ thể yêu cầu theo đường chuyển phát nhanh. Điều này là do thói quen trong việc thỏa thuận giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài về sử dụng vận đơn đường biển cũng như sự thận trọng tin tưởng vào việc sử dụng chứng từ gốc dưới dạng văn bản truyền thống.

Dù hệ thống pháp lý và công nghệ thông tin đã phát triển rất mạnh trong vòng 10 năm qua thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng tìm hiểu chính xác về các đối tác ở nước ngoài cũng như chưa đủ khả năng để phòng ngừa và bảo vệ mình trước các rủi ro của việc lựa chọn chứng từ gốc dưới dạng khác ngoài văn bản.

Bên cạnh rào cản đến từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa thì rào cản còn lại đến từ sự khó khăn trong việc thuyết phục các ngân hàng chấp thuận cung cấp dịch vụ cho các giao dịch thanh toán sử dụng e-B/L. Điều này xảy ra không phải do các ngân hàng không chấp nhận sử dụng chứng từ điện tử mà bởi vì sự phức tạp khi thuyết phục các ngân hàng tham gia hệ thống và trở thành thành viên của các tổ chức vận hành e-B/L.

Điều kiện an ninh mạng

Mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật an ninh mạng 2018, sự hạn chế về an ninh mạng cũng là một trong cản trở rất lớn cho việc áp dụng e-B/L. Việc tắc nghẽn mạng do các sự cố an ninh có thể gây ra sự tắc nghẽn giao dịch thương mại quốc tế. Nguy hiểm hơn, vì e-B/L có chức năng chứng từ sở hữu hàng hóa nên các cuộc tấn công mạng đe dọa gây xáo trộn, thay đổi và mất cắp quyền sở hữu hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế.

Giải pháp nâng cao việc áp dụng vận đơn đường biển ở Việt Nam

Để có thể sớm xây dựng và áp dụng hệ thống vận đơn điện tử tại Việt Nam, bài viết đề xuất một số khuyến nghị sau:

Đối với Nhà nước

Thứ nhất, cần xây dựng chiến lược phát triển thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử trong hoạt động ngoại thương, giao nhận vận tải nói riêng, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển và tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

Thứ hai, chủ động tra soát, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới qua đó đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam liên quan đến e-B/L như Bộ luật Hàng hải, Luật giao dịch điện tử...nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng cho việc áp dụng và sử dụng vận đơn đường biển điện tử trên thực tế.

Thứ ba, nghiên cứu, xem xét, đánh giá việc tham gia các Công ước quốc tế trong tương lai. Thứ tư, cần có các biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về e-B/L.

Đối với doanh nghiệp

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của công nghệ thông tin, giao dịch chứng từ điện tử trong thời đại 4.0, nâng cao nhận thức về những lợi ích khi sử dụng e-B/L trong hoạt động xuất nhập khẩu, vận tải hàng hoá quốc tế đối với doanh nghiệp.

Thứ hai, chủ động tìm hiểu về các tổ chức hoặc hệ thống e-B/L quốc gia và quốc tế, nghiên cứu gia nhập nếu phù hợp.

Thứ ba, các doanh nghiệp, hãng tàu và đơn vị liên quan như ngân hàng, công ty giao nhận, hải quan... cần đầu tư hệ thống công nghệ thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, từng bước triển khai, ứng dụng các phần mềm chuyên ngành phù hợp với e-B/L.

Đại dịch COVID-19 bùng nổ là tác nhân mạnh mẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, ngành nghề và ngành hàng hải cũng không ngoại lệ. Việc áp dụng và sử dụng vận đơn đường biển điện tử thay thế cho vận đơn giấy truyền thống không những cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn là yêu cầu tất yếu của Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, để e-B/L thực sự được công nhận và áp dụng rộng rãi tại Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược và sự chuẩn bị thật chu đáo.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Luật Hàng Hải Việt Nam năm 2015

2. Luật Giao dịch điện tử Việt Nam 2005

3. Luật An ninh mạng Việt Nam 2018

4. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử

5. Nguyễn Thái Sơn (2015), ​​Vận đơn đường biển điện tử (e-B/L) và khả năng áp dụng ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, số 212(II) tháng 2/2015.

6. Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp logistics năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ