Tư duy kiểu: Chồng đánh vợ là để… dạy
- Ông đánh giá thế nào về mức phạt hiện hành của Luật Xử lý vi phạm hành chính?
- Đã có nhiều vụ việc quấy rối tình dục, sàm sỡ bị tố giác. Người vi phạm bị xử lý bởi: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” theo Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013. Theo đó, mức phạt 100 - 300 nghìn đồng. Mức phạt này không có tính răn đe. Thậm chí có người còn hài hước rằng, cứ cầm sẵn 200.000 đồng trong tay rồi tha hồ quấy rối. Việc tăng nặng hình phạt này là rất cần thiết.
- Ông cho rằng hành vi này phải coi là nghiêm trọng bởi tổn thương mà nó mang đến cho nạn nhân?
- Đúng thế! Nạn nhân chịu nhiều tổn thương về thân thể, danh dự. Để xã hội văn minh, nghiêm minh hơn, cần phải tăng nặng hình phạt này. Khi xây dựng khung hình phạt xử lý vi phạm hành chính, đừng chỉ dựa vào thu nhập trung bình. Hãy phạt thật cao để không ai dám vi phạm. Giống như xử phạt hành vi uống rượu bia khi lái xe, mức xử phạt rất cao khiến người ta không dám vi phạm. Số tiền phạt lớn chính là một hình thức răn đe nhiều sức mạnh.
- Thực tế, nạn nhân của quấy rối tình dục nhiều khi vì xấu hổ mà không tố cáo?
- Đúng là như thế. Lâu nay người Việt bị lệ thuộc vào tập quán xã hội. Kiểu như chồng đánh vợ là để “dạy” vợ. Bố mẹ bạo hành con cái là bởi “thương cho roi cho vọt”. Thế nên nhiều khi mình là nạn nhân bị quấy rối, thậm chí là bị hiếp dâm, lại cảm thấy xấu hổ, không muốn tố giác kẻ quấy rối mình. Dần dần, nhận thức, hành vi phải thay đổi, pháp luật cũng phải có sự điều chỉnh. Làm sao để mọi hành vi phải được thực hiện theo pháp luật, không phải theo lối duy tình.
Văn bản lỗi thời
- Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2013, quy định xử phạt người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng với mức phạt 3 - 5 triệu đồng. Theo ông mức này có hợp lý?
- Việc tăng mức phạt lên đến trên 10 lần như thế cũng tốt. Nhưng nó vẫn chưa thực sự khiến kẻ vi phạm phải sợ. Nên có mức phạt cao hơn, hoặc cùng với đó có các hình thức phạt bổ sung như buộc người vi phạm phải xin lỗi công khai khi có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục. Hình thức phạt này trực tiếp tác động danh dự, nhân phẩm của người vi phạm trước cộng đồng, có tính răn đe cao. Trường hợp cần thiết thì có thể đưa vào luật hình sự.
- Xử lý hình sự thì có nặng quá?
- Những đối tượng xâm hại, quấy rối, thậm chí là tấn công tình dục đang chỉ bị xử phạt hành chính với mức rất nhẹ. Nguyên nhân là do quấy rối tình dục chưa được đưa vào Bộ luật Hình sự như một tội danh. Tôi cho rằng cần phải xử lý hình sự. Luật pháp hiện hành chưa có quy định về bù đắp những tổn thương cho người phụ nữ. Ở các nước khác hình phạt rất nặng…
- Mức phạt 200 nghìn đồng ai cũng biết là rất thấp. Vậy vì sao nó vẫn được duy trì?
- Thực tế là nhiều văn bản pháp luật ở nước ta đang tồn tại tình trạng lỗi thời, thiếu tính dự báo. Trong quá trình xây dựng luật cần cụ thể hóa thật chi tiết những điều khoản, thường xuyên rà soát đánh giá tình hình xã hội để điều chỉnh, bổ sung. Và quan trọng nhất, luật phải có tính bao quát, xử phạt phải đủ sức răn đe. Nếu tình trạng hiện nay còn tiếp tục sẽ dẫn đến nhờn luật, coi thường pháp luật của một bộ phận người dân.
Bước qua thời kỳ người bị quấy rối cảm thấy xấu hổ
- Trong hiểu biết của ông, các nước xử lý hành vi quấy rối tình dục như thế nào?
- Càng ở những quốc gia có hệ thống pháp luật, kinh tế phát triển thì loại tội danh này càng bị xử nghiêm. Singapore quy định rõ về tội Xâm hại phẩm giá. Một số hành vi cấu thành tội danh bao gồm: Ôm ấp, hôn, sờ soạng đùi, chạm lưng, vỗ mông... Một số tình tiết tăng nặng như xâm hại phẩm giá trong thang máy hoặc nạn nhân là trẻ em dưới 14 tuổi.
Người bị kết án sẽ phải chịu 3 - 10 năm tù đi kèm hình phạt roi. Mỹ là một trong những nước đầu tiên ban hành luật về quấy rối tình dục. Loại tội phạm này thường bị xử lý rất nặng, kèm theo hình phạt tiền khá cao, bị cộng đồng tẩy chay…
- Ý ông muốn nói, việc tôn trọng thân thể của mỗi cá nhân là điều cần thiết, không riêng quốc gia nào?
- Đó là điều hiển nhiên. Thân thể mỗi người là bất khả xâm phạm. Việc xử lý loại tội phạm này càng nghiêm minh thì con người càng được bảo vệ. Đã qua rồi thời mà người bị quấy rối lại cảm thấy xấu hổ, không dám lên tiếng. Nhận thức, kỹ năng bảo vệ chính bản thân mình cũng là một công cụ đắc lực để chống lại loại tội phạm này.