Văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 10/2015

GD&TĐ - Điểm lại một số văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2015.

Văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 10/2015

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 ban hành ngày 7/10/2015, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối thị trường cả trong và ngoài nước; đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công... phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

- Nghị quyết về Chính phủ điện tử

Ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Theo đó, trong ba năm 2015 - 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3)…

- Quy định mới về cơ chế thu học phí

Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021 quy định học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 từ 60.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; từ 30.000 - 120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi.

Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

- Giám sát tài chính đặc biệt khi DNNN có dấu hiệu mất an toàn tài chính

Ngày 6/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước có thể sẽ bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn tài chính:1- Đối với doanh nghiệp đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 2- Đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh trong năm báo cáo từ 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu (nếu có); có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.

- Phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động sẽ bị phạt

Nghị định số 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được ban hành ngày 07/10/2015.

Nghị định trên quy định, hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

- Sửa đổi, bổ sung một số chính sách phát triển thủy sản

Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được Chính phủ ban hành ngày 7/10/2015.

Trong đó, Nghị định bổ sung quy định hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất trường hợp gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới. Theo đó, gia cố tàu bọc vỏ thép được vay 70% tổng giá trị nâng cấp.

- Chế độ ăn, nghỉ lao động trong ngày Lễ, Tết của phạm nhân

Ngày 13/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt chăm sóc y tế đối với phạm nhân.

Theo đó, về chế độ ăn, theo Khoản 1 Điều 42 Luật Thi hành án hình sự, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chất đốt. Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật, thì định lượng ăn được tăng thêm. Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, phạm nhân được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

- DNNN không được góp vốn vào bất động sản, ngân hàng

Doanh nghiệp nhà nước(DNNN) không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp được Chính phủ ban hành ngày 13/10/2015.

- Hành khách gây bạo loạn bị cấm bay vĩnh viễn

Nghị định số 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không được Chính phủ ban hành ngày 13/10/2015 quy định, cấm vận chuyển vĩnh viễn đối với đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong các trường hợp bị cấn vận chuyển trên 12 đến 24 tháng; người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 190 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; người chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay.

- Điều kiện xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh

Nghị định 93/2015/NĐ-CP về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được Chính phủ ban hành ngày 15/10/2015.

Theo đó, doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải bảo đảm 3 điều kiện: Là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; có ngành, lĩnh vực hoạt động hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ổn định, thường xuyên bằng nguồn lực của Nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.

- Quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí

Ngày 16/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí ngày 6/7/1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 9/6/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 3/6/2008 về việc thực hiện hoạt động liên quan đến điều tra cơ bản; đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí (kể cả xử lý, thu gom, tàng trữ, vận chuyển dầu khí trong khu vực khai thác cho tới điểm giao nhận và các hoạt động dịch vụ dầu khí); thu dọn các công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí trong phạm vi lãnh thổ đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

- Khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội

Theo Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp được Chính phủ ban hành ngày 19/10/2015, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.

Doanh nghiệp xã hội sẽ được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài…

- 10 điều kiện bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước

Ngày 17/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghị định trên quy định 10 điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp. Nghị định cũng nêu rõ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 2 nhiệm kỳ tại một tập đoàn, tổng công ty, công ty.

Người quản lý doanh nghiệp được từ chức một trong các trường hợp: Không còn đủ uy tín để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; do nhận thấy vi phạm khuyết điểm của tập đoàn, tổng công ty, công ty hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình; có nguyện vọng xin từ chức vì lý do cá nhân khác.

- Quy định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay

Nghị định số 102/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay được Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015.

Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam, bao gồm: Nguyên tắc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; quy hoạch và thực hiện quy hoạch cảng hàng không, sân bay; thủ tục mở, đóng cảng hàng không, sân bay; quản lý hoạt động khai thác tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận; sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; bán, thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất cảng hàng không, sân bay; hoạt động kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay.

- Quy định rõ thẩm quyền Cảnh sát môi trường

Ngày 20/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.

Trong đó, Nghị định quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường gồm: Tham mưu, chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; được kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; được tiến hành kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm khi có một trong các căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 7 Pháp lệnh Cảnh sát môi trường…

- Khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa

Ngày 5/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, đào tạo, quản lý, khai thác trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa tại Việt Nam.

Theo đó, đối với hoạt động động đầu tư, đào tạo, quản lý, khai thác trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa tại Việt Nam được hưởng các cơ chế, chính sách sau: Khuyến khích đầu tư phương tiện thủy nội địa; hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải và dịch vụ vận tải thủy nội địa; Hỗ trợ đào tạo người lái phương tiện thủy nội địa...

- Chính sách đối với dân công hỏa tuyến

Quyết định 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng phí và cấp “Giấy chứng nhận” đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Theo quy định, mức trợ cấp một lần được ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến. Cụ thể: Dưới 1 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; đủ 1 năm đến dưới 2 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng; từ đủ 2 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng.

- Siết chặt việc quản lý hoạt động thương mại biên giới

Ngày 20/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg quy định về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

Trong đó, Quyết định quy định cư dân biên giới khi mua bán, trao đổi hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với giá trị không quá 2 triệu đồng/1 người/1 ngày/1 lượt và không quá 4 lượt/1 tháng đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới do Bộ Công Thương ban hành.

Với việc bổ sung quy định “không quá 4 lượt/1 tháng”, Quyết định này được xem là điểm nút quan trọng, bịt kẽ hở để hạn chế cánh buôn lậu gian lận thương mại.

- 03 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ

Trong tháng qua, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 6/10/2015 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/10/2015 về đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, ngày 19/10/2015, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 27/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.  

- Giảm khoảng cách giới, nâng cao vị thế của phụ nữ

Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 2/10/2015.

Mục tiêu phấn đấu là giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ