Vai trò quan trọng của trường cao đẳng

GD&TĐ - Các trường cao đẳng không chỉ thay thế trường đại học hay cơ hội cho những học sinh vừa học xong lớp 9. Giáo dục chuyên nghiệp góp phần tạo việc làm, biến việc học tập trở nên hữu ích, giảm thiểu hiện tượng di dân. Qua ví dụ 5 nước sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu các trường cao đẳng thay đổi thị trường lao động như thế nào và tại sao chúng lại đóng vai trò quan trọng như vậy?

Vai trò quan trọng của trường cao đẳng

Phần Lan: bảo đảm lực lượng lao động cho đất nước

Hệ thống giáo dục Phần Lan có hai nhiệm vụ chính: Đào tạo ra những con người có thể sống thoải mái ở Phần Lan và bảo đảm đội ngũ cán bộ chuyên môn các ngành nghề khác nhau cho đất nước. Ở Phần Lan, hầu như tất cả mọi công việc đều do người dân bản xứ thực hiện. Họ cố gắng trước hết vì bản thân, bởi sau này chính họ đi trên những con đường do mình làm nên. Kết quả là trong rừng, trên đường và trên các công trường xây dựng, ở đâu công việc cũng trôi chảy. Người Phần Lan không xấu hổ khi làm thợ rừng, lái máy xúc, đầu bếp. Những con người làm nghề này được nhận lương cao và được xã hội tôn trọng như những người khác.

Trong khi đó, ở đây thi vào trường đại học hoàn toàn không đơn giản. Nhà trường phổ thông Phần Lan không ép học sinh đạt thành tích bằng mọi giá. Những học sinh giỏi có thể phát huy năng lực của mình một cách hoàn toàn chủ động. Còn tìm việc làm đúng ngành nghề không khó. Điều đó có thể thực hiện trên cơ sở trình độ lớp 9 THCS hay THPT từ năm 16 tuổi.

Nhà nước không chỉ bảo đảm cho học viên các trường cao đẳng học tập miễn phí mà còn cung cấp cho họ chỗ ăn, chỗ ở. Thời gian học thường kéo dài ba năm. Học sinh thoải mái lựa chọn ngành nghề. Có thể trở thành công nhân xây dựng, y tá, nghệ sĩ xiếc hay chuyên gia về ngựa.

Rwanda: tác động như một bậc thang xã hội

Ở Rwanda các trường cao đẳng kỹ thuật tổng hợp tác động như một bậc thang xã hội (IPRC). Đối với một đất nước đã trải qua nạn diệt chủng, điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Học sinh học IT, điện tử, truyền thông và các nguồn năng lượng tái tạo. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng, họ có thể đi thực tập ở một công ty tại địa phương đang sản xuất, chẳng hạn như bóng đèn điện, và sau đó ở lại làm việc ở đấy. Điều đó cho phép giảm thiểu sự di dân. Bởi thực ra ít người thích đi khỏi quê hương của mình.

Các trung tâm giáo dục của IPRC được chính phủ Nhật Bản tài trợ trong khuôn khổ dự án giáo dục toàn cầu. Từ năm 2007 đến 2017, các chuyên gia Nhật thường xuyên đến đây. Trong thời gian này, các trường cao đẳng đã đào tạo được hơn 2.000 cán bộ. Một số trong đó đã thành lập công ty riêng, đến lượt mình các công ty này giúp người dân bản xứ tìm việc làm. Ví dụ, Trường Đào tạo kỹ thuật viên cấp cao tại tỉnh Tumba ở miền Bắc Rwanda đã hợp tác với Nhật Bản từ đầu những năm 1990. Sau nạn diệt chủng, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, JICA, đã khởi động lại các dự án ở đây trong các lĩnh vực chính: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và năng lượng tái tạo. Sự trao đổi đã thành công thực sự. Học sinh không chỉ được tiếp thu bí quyết kỹ thuật của Nhật Bản mà còn thấm nhuần một nền văn hóa học tập.

Một số cựu học sinh của Trường Tumba cũng đã có cơ hội đến Nhật Bản như một phần của Sáng kiến ABE, một chương trình của chính phủ Nhật Bản cho phép những người châu Phi trẻ tuổi có bằng thạc sĩ và thực tập với các công ty. Dự án đã thành công rực rỡ. Theo một kết quả khảo sát, tỷ lệ việc làm đạt hơn 75% và tỷ lệ hài lòng của nhà tuyển dụng đạt hơn 85%.

Các dự án của JICA hướng đến cả kinh tế và xã hội, và đã đóng góp rất nhiều cho nỗ lực hòa giải quốc gia.

Thụy Sĩ: cung cấp kinh nghiệm thực tế

Thụy Sĩ là nước sở hữu một trong những mô hình giáo dục thành công nhất thế giới. Nó được gọi là “hệ thống kép” và định hướng vào những công việc thực tế. Mô hình Thụy Sĩ thành công đến mức các công ty quốc tế bắt đầu thành lập trên cơ sở của nó các chương trình dạy học phi chính phủ tại các nước khác.

Sau khi học xong lớp 9, tất cả học sinh phổ thông Thụy Sĩ lựa chọn làm gì tiếp theo. Có thể vào học trung học phổ thông, sau đó vào đại học và trở thành nhà khoa học. Mà cũng có thể chọn trường nghề và có ngành nghề ngay. Trong trường hợp này, các em tiếp tục đến trường một số ngày trong tuần, thời gian còn lại thực tập ở công ty. Ví dụ, các em học lắp ráp người máy công nghiệp hoặc làm việc trong nhà băng.

Thời gian học tập kéo dài từ 2 đến 4 năm, và sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể bắt đầu làm việc. Tiền lương mang tính chất cạnh tranh. Bên cạnh đó, ví dụ, thợ lái tàu điện có thể nghỉ phép sabbatical (nghỉ phép dài hạn từ 2 tháng đến 1 năm) để đi du lịch nửa năm.

Canada: cho phép học nghề nhanh

Dân số Canada đang phát triển, đất nước sẵn sàng nhận người nhập cư. Các trường dạy nghề (cao đẳng) bảo đảm việc làm cho mọi người, còn nhà nước không phải mời những công nhân thời vụ không có quốc tịch.

Các trường cao đẳng Canada cung cấp một trình độ đào tạo cho phép nhanh chóng tìm được công việc phù hợp. Việc dạy học mang tính chất thực hành. Chương trình không có những môn lý thuyết và soft skills (kỹ năng mềm), ví dụ, lịch sử nghệ thuật và các bài học về tư duy phê phán. Các chuyên ngành liên quan tới xây dựng, sản xuất, dịch vụ, thương mại hay giao thông, nhưng ngành y chiếm một vị trí đặc biệt trong danh mục các ngành nghề.

Ở đây có nhiều nghề không cần phải học đại học. Ví dụ, có thể trở thành kỹ thuật viên xét nghiệm và lấy máu hoặc kỹ thuật viên về tim mạch – làm siêu âm tim, trợ lý bác sĩ trong lĩnh vực y học, thú y, lý liệu pháp và trong các phòng thí nghiệm...

Hàn Quốc: giúp giảm thất nghiệp

Tại Hàn Quốc, văn bằng đại học có ý nghĩa rất quan trọng – đó là nghề nghiệp tương lai, là sự nghiệp, đôi khi là vị thế gia đình và trình độ học vấn của con cái. Vì vậy người Hàn rất coi trọng vấn đề chọn nghề. Họ lưu ý tới ngân sách gia đình (học phí), gốc gác, sự quen biết, tài năng của đứa trẻ và thậm chí ý kiến của các nhà tiên tri.

Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ít khi bị thất nghiệp, nhưng các trường như vậy không nhiều. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao. Nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc đúng chuyên ngành, họ trở thành hướng dẫn viên du lịch, thợ cơ khí... Vì vậy mấy năm gần đây, chính phủ tìm cách hướng nghiệp học sinh phổ thông vào các trường cao đẳng. Ở đấy có thể học một ngành nghề ứng dụng và bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định.

Người Hàn đang đứng trước những ngành nghề rất khác nhau. Nhiều bạn trẻ mở công ty riêng, ví dụ quán cà phê nhỏ. Trong trường hợp đó, văn bằng đại học không đóng vai trò gì - quan trọng là kiến thức và kỹ năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian