Không phải ngẫu nhiên mà gần đây có nhiều dư luận phản ứng với ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) vì cứ mỗi đầu năm học là tình trạng lạm thu trong nhà trường lại nổi lên. Nhiều ý kiến đổ hết “tội” lên ban đại diện CMHS, cho đây là nguyên nhân chính dẫn đến lạm thu; và thậm chí có ý kiến đòi giải tán cả ban đại diện CMHS.
Thật là bao nhiêu điều tiếng không hay, trong đó có cả phần oan nghiệt mà ban đại diện CMHS phải gánh chịu dù nguyên nhân phần lớn không xuất phát từ ban đại diện mà từ phía nhà trường. Nhà trường sử dụng ban đại diện sai mục đích; trong đó có cả cái nhìn không đúng, chưa nhận ra vai trò, nhiệm vụ của từng bậc cha mẹ nói riêng và ban đại diện CMHS nói chung trong mục tiêu giáo dục con em họ nên người.
Để minh họa, chúng tôi xin kể câu chuyện dưới đây của một hiệu trưởng. Ông kể năm học lớp ba, thầy giáo gửi cho cha ông bức thư. Thư thầy viết đại ý: “Cháu có năng khiếu môn toán và nhất là môn vẽ. Mong ông quan tâm tới cháu nhiều hơn. Cụ thể khuyến khích cháu làm các bài tập toán rèn luyện có độ khó cao hơn. Nếu có điều kiện ông nên mua cho cháu hộp bút màu và giấy để vẽ…”.
Sau khi nói về ưu điểm, thư thầy giáo khéo léo nhắc khuyết điểm của trò: “Cháu còn ít phát biểu trong lớp, không phải vì không biết nhưng cháu hơi nhút nhát. Ông hãy khuyến khích cháu nói nhiều hơn. Đưa cháu tới chỗ đông người để cháu tỏ ra dạn dĩ... Nếu ông chịu khó bỏ chút thời gian làm công việc này, tôi tin thời gian tới cháu sẽ lấy lại sự tự tin và tương lai cháu sẽ thành công…”.
Sau này lớn lên, người cha trao lại bức thư ấy cho vị hiệu trưởng. “Tôi vô cùng biết ơn người thầy đã cùng cha tôi đã dạy tôi nên người như hôm nay”- vị hiệu trưởng nói. Ông kết luận: “ Tôi bây giờ cũng là nhà giáo, trong hoàn cảnh nào cũng luôn nhớ câu chuyện này: luôn phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục con em họ. Nó là một phương pháp giáo dục không thể thiếu góp phần giúp nhà giáo hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình”.
Nhà giáo chỉ tiếp xúc học trò bốn tiếng hoặc nhiều nhất là tám tiếng mỗi ngày, khoảng thời gian trong ngày còn lại thuộc về phụ huynh. Rõ ràng phụ huynh có nhiều thời gian hơn nhà giáo, đó là một ưu thế của phụ huynh mà nhà giáo cần phải khai thác. Nhưng không phải nhà giáo nào cũng nhận ra điều này, biết tận dụng mỗi phụ huynh để cùng giáo dục học sinh.
Tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo. Còn với những nhà giáo ở vị trí lãnh đạo, nếu không nhìn ra, không đánh giá đầy đủ vai trò phụ huynh thì đây là một sai lầm trong công tác lãnh đạo. Nó không mang lại thành công cho hoạt động giáo dục của nhà trường, mà ngược lại làm thiệt hại và có thể để lại cả sự tai tiếng.
Vâng, đã có không ít vị hiệu trưởng chỉ chăm chăm nhờ ban đại diện CMHS hỗ trợ, đóng góp cái này, mua sắm cái kia… nhưng lại không nghĩ ra những hoạt động giáo dục thực chất, có ý nghĩa với sự tiếp sức của phụ huynh.
Dư luận đã từng nói hội phụ huynh là hội “phụ thu” có lẽ là do những việc làm như thế. Có vẻ như có phần nào oan cho hội phụ huynh nhưng rõ ràng trong trường hợp này hội đã không đóng góp được gì nhiều và có lẽ đánh mất vai trò của mình trong công tác phối hợp nhà trường giáo dục con em họ.
Xem vậy, nguyên lý “Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” không bao giờ sai. Vấn đề còn lại là bản lĩnh, năng lực của nhà giáo khi vận dụng nguyên lý này vào thực tiễn. Đáng phàn nàn là hiện có không ít nhà giáo còn non kinh nghiệm trong phối hợp giáo dục học sinh.
Thật không gì buồn tẻ hơn những buổi họp CMHS hoàn toàn không có tiếng cười mà chỉ là những con số khô khan về các khoản đóng góp. Ngày nay càng hiếm nhà giáo viết thư hoặc đến thăm nhà học sinh, xem đó như một việc cần thiết của công tác sư phạm.