Vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ: Giúp trẻ tự lập và làm chủ cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại Nhật Bản, Phần Lan, giáo dục gia đình thúc đẩy trẻ em tự lập, tự khám phá môi trường xung quanh. Phụ huynh đặt niềm tin vào giáo dục nhà trường và không can thiệp sâu vào việc học của con cái. Ngược lại, giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường tại Trung Quốc đều xoay quanh thành tích học tập.

Phụ huynh Nhật Bản khuyến khích con tự lập từ rất sớm.
Phụ huynh Nhật Bản khuyến khích con tự lập từ rất sớm.

Tự lập, tự khám phá

Giáo dục gia đình tại Nhật Bản đặt trách nhiệm nuôi dạy con cái lên vai người phụ nữ, trong đó, giáo dục nhân cách, đạo đức và lối sống là điều được phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Từ nhỏ, các bà mẹ Nhật Bản thường hướng dẫn con cái làm việc nhà, cách đi chợ, chăm sóc thú cưng... nhằm thúc đẩy kỹ năng mềm. Sau đó là các bài học về truyền thống quê hương, đất nước như học thơ, âm nhạc, múa... Đề cao việc sống tự lập nên phụ huynh Nhật Bản thường không làm việc nhà thay con.

Ngược lại, trường học giúp trẻ trau dồi kiến thức học thuật, năng khiếu và bồi dưỡng đam mê. Phụ huynh nước này ủng hộ cho trẻ đến trường rất sớm, cụ thể từ bậc mẫu giáo, dù giáo dục mầm non tại Nhật Bản không phải bắt buộc. Ước tính, 40% trẻ 3 tuổi và 92% trẻ 4 - 5 tuổi tại Nhật Bản học mẫu giáo.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình, nhà trường và xã hội trong quá trình phát triển của một đứa trẻ, các trường mầm non Nhật Bản yêu cầu phụ huynh dành thời gian, tâm sức cho hoạt động giáo dục.

Đơn cử, các bà mẹ làm thủ công nhiều sản phẩm để con mang đến trường như túi xách, cơm trưa... Mỗi ngày, phụ huynh sẽ đích thân đưa trẻ đến trường hoặc đứng đợi trước cửa nhà mỗi lần xe đưa đón học sinh xuất hiện. Ngoài ra, phụ huynh phải tham gia câu lạc bộ dành cho cha mẹ học sinh, họp định kỳ 2 lần/tháng.

Lên các cấp cao hơn, phụ huynh vẫn phải tham gia cùng con trong nhiều sự kiện quan trọng tại trường như thi đấu thể thao, hội chợ... Điều này giúp việc giáo dục trẻ em có sự thống nhất, đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Tương tự, tại Phần Lan, trách nhiệm nuôi dạy một đứa trẻ thuộc về cha mẹ nhưng giáo dục là nhiệm vụ của nhà trường. Phụ huynh Phần Lan thường xuyên khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp như học nhạc cụ, nghệ thuật, chơi thể thao... để xây dựng kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Họ không hỗ trợ con làm bài tập về nhà hay can thiệp sâu vào việc học. Giáo dục gia đình nhấn mạnh đứa trẻ phải luôn cảm thấy vui vẻ và khoẻ mạnh.

Phụ huynh Phần Lan không ám ảnh về thành tích học tập và điểm số của con cái. Thay vào đó, họ tin tưởng và giao phó trách nhiệm giáo dục trau dồi kiến thức cho nhà trường. Do đó, vai trò của trường học là hỗ trợ gia đình giáo dục trẻ em và chịu trách nhiệm trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với gia đình học sinh.

Nhà trường và gia đình thường trao đổi qua Internet. Các trường học có thể quyết định tần suất giáo viên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh. Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường dựa trên phương châm tin cậy, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Tin tưởng cũng là “kim chỉ nam” trong việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình tại Mỹ. Nếu nhà trường chuyên tâm vào trau dồi kiến thức và đam mê cho trẻ, gia đình sẽ giúp các em phát huy đam mê này và bồi dưỡng nhân cách. Tuy nhiên, cả gia đình và nhà trường đều chỉ đóng vai trò gợi mở và hỗ trợ. Trẻ em được khuyến khích phát triển độc lập và tìm cách sống hòa nhập với xã hội khi trưởng thành.

Giáo dục gia đình tại Phần Lan hướng đến niềm hạnh phúc của con trẻ.

Giáo dục gia đình tại Phần Lan hướng đến niềm hạnh phúc của con trẻ.

Ám ảnh với thành tích của con

Ngược lại, phụ huynh Trung Quốc bị ám ảnh với thành tích học tập của con cái. Giáo dục gia đình tại quốc gia này hầu hết xoay quanh học tập và kết quả học tập.

Khi trẻ đến độ tuổi đi mẫu giáo, phụ huynh Trung Quốc đã đăng ký cho con học thêm tiếng Anh hoặc văn hóa để tăng khả năng cạnh tranh vào các trường tiểu học tốp đầu. Hoạt động này tiếp tục diễn ra cho đến khi đứa trẻ vào được trường đại học chất lượng.

Tại nhiều địa phương Trung Quốc, các bà mẹ phải nghỉ làm công việc văn phòng, trở về quê để chăm sóc và quản lý việc học tập của con cái. Lịch sinh hoạt mỗi ngày của họ xoay quanh việc đưa đón con đi học, chuẩn bị bữa cơm, giấc ngủ và giám sát con học tập. Mỗi khi giáo viên cần liên hệ với gia đình, các bà mẹ luôn luôn có mặt.

Giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường tại Trung Quốc gần như hòa làm một. Sau một ngày dài trên trường, trẻ em tiếp tục về nhà học tập dưới sự giám sát của phụ huynh. Nhiều ông bố, bà mẹ thậm chí cùng con thức khuya làm bài tập. Điều này gia tăng áp lực học tập và thi cử lên đứa trẻ, khiến chính phủ nước này phải ban hành chính sách “giảm kép” từ năm 2021.

Chính sách cấm tổ chức dạy thêm ngoài giờ học, cấm nhà trường giao bài tập quá nhiều hoặc quá khó với học sinh. Đồng thời, yêu cầu nhà trường, phụ huynh cho con cái nhiều thời gian nghỉ ngơi. Sau chính sách giảm kép, Trung Quốc tiếp tục thông qua đạo luật nghiêm cấm phụ huynh tạo áp lực học tập quá lớn lên trẻ nhỏ.

Theo đó, cha mẹ và người giám hộ cần bố trí thời gian học tập, nghỉ ngơi, vui chơi và rèn luyện thân thể cho trẻ vị thành niên. Luật cũng yêu cầu phụ huynh bảo đảm trẻ không nghiện Internet. Từ đó, trường học và xã hội chỉ hỗ trợ trong khi phụ huynh phải tăng cường giáo dục con cái về mọi mặt.

Phụ huynh Nhật Bản hầu như không can dự vào chương trình giáo dục của nhà trường hay bài tập về nhà của con. Trẻ em được tự do khám phá môi trường học, phát triển bản thân và phát huy đam mê, sở thích. Phụ huynh đóng vai trò hỗ trợ trường học trong giáo dục trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ