Vải nhung thành Venice: Một thời vang bóng

Vải nhung thành Venice: Một thời vang bóng

Trong xưởng cũng chỉ có 7 thợ dệt, có thể họ là những người làm nhung thủ công cuối cùng. 

Xưởng dệt duy nhất

Venice là thành phố kênh đào ở Italia. Nó nổi tiếng sầm uất và giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Luigi Bevilacqua là xưởng dệt tư nhân được mở vào năm 1875, bởi thợ dệt nhung cùng tên trên kênh đào chính của Venice. Kể từ đó đến nay, các thế hệ nhà Bevilacqua liên tục cha truyền con nối, trở thành xưởng dệt nhung lâu đời nhất tại Italia.

Luigi Bevilacqua tự hào đã sản xuất những thước nhung đẹp nhất cho thế giới hoàng gia, quyền lực. Các cụm tua nhung màu vàng treo trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng (Mỹ) chính là sản phẩm sáng tạo của họ. Cả miếng nhung màu đỏ bọc ghế Điện Kremlin (Nga) cũng thế.

Suốt nhiều thập kỷ, Luigi Bevilacqua là nhà cung cấp vải chính cho Vatican. Theo ghi chép của gia tộc này, họ là dòng dõi dệt nhung có truyền thống ít nhất 520 năm. Trong xưởng Luigi Bevilacqua vẫn còn lưu một bức tranh từ năm 1499, ghi dòng chữ “Giacomo Bevilacqua, thợ dệt”. Họ chỉ truyền thụ kỹ thuật dệt cho con cháu trực thuộc.

Bước vào Luigi Bevilacqua, trước mắt bạn là la liệt khung cửi và vải nhung. Xưởng này đang giữ 3.500 mẫu thiết kế và bản phác thảo cũ - mới. Toàn bộ các khung cửi ở đây đều thuộc hàng cổ, được làm từ thế kỷ XVIII. “Dù 145 năm đã trôi qua, nơi này vẫn hệt như lúc đầu”, Alberto Bevilacqua - chủ xưởng hiện tại nói, “bất chấp mực nước mỗi ngày một cao, lắm khi còn dâng ngập nhà xưởng, chúng tôi vẫn dệt vải y như 500 năm trước”.

Thước đo con người

Vải nhung không phải là phát minh của người Italia. Trước thế kỷ XIV, Venice vẫn phải nhập khẩu lụa từ Đế quốc Đông La Mã (330 - 1453). Tuy nhiên vào đầu những năm 1300, có khoảng 300 thợ dệt từ xa chạy loạn đến đây. Họ dừng lại định cư và truyền dạy cho con cháu cũng như người Venice phương pháp dệt vải.

Trong các loại vải, nhung là bền chắc, ấm áp, khó dệt và đẹp nhất. Nó nhanh chóng vượt lên mặt hàng thượng hạng, được các vương tôn quý tộc săn lùng. “Sau một thời gian ngắn, dệt nhung đã trở thành ngành nghề quý báu nhất Venice”, Luca Mola - sử gia Italia giải thích. Các thợ thủ công cố gắng sáng tạo, cất giấu bí quyết. Các xưởng dệt nỗ lực giữ chân nhân tài. Venice thậm chí cấm thợ dệt giỏi xuất ngoại, sợ họ mang kinh nghiệm phổ biến ra bên ngoài.

Năm 1474, Venice giới thiệu và hợp pháp hóa luật sáng chế, độc quyền sản xuất vải nhung. Những năm 1500, thành phố kênh đào này luôn ngập tràn âm thanh dệt vải. Nó có tới khoảng 6.000 khung cửi liên tục dệt nhung.

Từ Italia, vải nhung tràn sang các nước châu Âu, chiếm lĩnh thị hiếu tầng lớp quyền quý. Các vua chúa, đức hồng y khoác áo choàng bằng vải nhung thành Venice. Đàn ông quý tộc đua nhau mặc quần áo nhung. Phụ nữ thì đến cả giày dép cũng phải được bọc bằng vải nhung mới chịu. “Trông đồ mà bắt hình dong. Người xưa đánh giá người khác qua trang phục, còn vải nhung là đỉnh cao của sự sang trọng”, Luca nói thêm.

Khôi phục và tàn lụi

Vải nhung thành Venice: Một thời vang bóng ảnh 1
Vải nhung của Luigi Bevilacqua.

Năm 1797, Đại đế Napoleon (1769 - 1821, Pháp) dẫn quân đánh chiếm Venice. Khi gót ngựa viễn chinh rời đi, thành phố từng giàu sang tột bậc này chỉ còn là đống đổ nát. Khung cửi bị vứt ngổn ngang khắp kênh rạch. Người Venice bỏ nghề dệt nhung hàng loạt.

Bước sang thập niên 1870, hậu duệ gia tộc dệt nhung Bevilacqua - Luigi Bevilacqua vớt các khung cửi vẫn còn sử dụng được, đem về sửa chữa và mở lại xưởng. Qua bàn tay của các thợ thủ công tài ba, vải nhung tái sinh. Đầu những năm 1900, Luigi Bevilacqua có gần 100 thợ dệt. Họ cung cấp lượng vải lớn cho toàn nước Italia và xuất khẩu ra bên ngoài.

Bất chấp sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may, Luigi Bevilacqua kiên trì sử dụng khung cửi gỗ và dệt tay. “Có những chi tiết cực phức tạp đến nỗi máy móc không thể thao tác được”, Alberto cho biết. Trung bình mỗi ngày, một thợ dệt lành nghề nhất cũng chỉ hoàn thành được khoảng 25cm vải nhung.

“Dệt nhung là một công việc cầu kỳ”, Silvia Longo - thợ dệt 19 năm kinh nghiệm của Luigi Bevilacqua phân tích, “bạn phải học cách hiểu các khung cửi cổ. Tuy chúng là đồ vật nhưng dường như có hồn, mỗi cái mang một âm thanh riêng. Người dệt bắt buộc phải nắm bắt được tiếng nói của nó thì mới sử dụng thành thạo”.

Sau 3 năm miệt mài dệt, Longo và 2 thợ dệt khác của Luigi Bevilacqua mới làm được 740m. “Sự phức tạp của vải nhung thành Venice là vô giới hạn”, Doretta Davanzo Poli - Giáo sư dệt may Đại học Ca’ Foscari khẳng định. Với thiết kế hoa văn cầu kỳ cần tới khoảng mối nối 16.000 sợi chỉ, một thợ dệt phải mất đến 6 tháng mới kết mối xong.

Giá thành vải nhung thủ công siêu đắt đỏ, 5.000 euro/m (tương đương 131 triệu VND). Trái lại, máy dệt nhung công nghiệp nhẹ nhàng đạt hiệu suất 6m/ngày, hạ giá bán xuống hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Luigi Bevilacqua dần vắng khách. Lớp trẻ của gia tộc không còn ý định nối nghiệp, hàng tồn chất thành đống.

Alberto vẫn quyết định bảo vệ xưởng gia truyền đến hết đời. “Mỗi mẫu thiết kế đều mang trong mình một câu chuyện”, ông giãi bày, “chúng như thầm nhắc nhở, Venice đã tặng cho thế giới một thứ rất đẹp đẽ”. Vì Luigi Bevilacqua không truyền thụ kỹ thuật ra bên ngoài, 7 thợ thủ công của họ đang là những người cuối cùng nắm giữ bí quyết dệt nhung thành Venice.

Theo Bbc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ