Vài kỷ niệm về bác sĩ Hoàng Ngọc Lập – Nhà thơ bút tre Phố Hiến

Vài kỷ niệm về bác sĩ Hoàng Ngọc Lập – Nhà thơ bút tre Phố Hiến

(GD&TĐ) - Được tin nhà thơ, thầy thuốc ưu tú Hoàng Ngọc Lập, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên, Hội viên Hội VHNT tỉnh Hưng Yên qua đời ngày 19/8/2012. Anh em văn nghệ sĩ Hưng Yên không khỏi bồi hồi, thương tiếc một thầy thuốc ưu tú, một nhà thơ tâm huyết với quê hương Hưng Yên.

Trong 4 tập thơ đã xuất bản, tập “Trăng treo xứ nhãn” mà Báo Giáo dục & Thời đại, Báo Hưng Yên đã có bài giới thiệu. Tập thơ này được nhiều người yêu thơ mến mộ, nhất là những độc giả quê hương Hưng Yên. Trong bài “Trăng treo Phố Hiến” anh viết:

Chim đêm buông tiếng ngập ngừng

Trăng treo Phố Hiến một vùng thiên thai

Tơ vàng, nguyệt quế, sương mai

Hương sen, nhãn quyện bóng ai tự tình.

c
"Nhà thơ Hoàng Ngọc Lập yêu quê hương xứ nhãn như yêu chính mình" (Ảnh minh họa/Internet)

Nhà thơ Hoàng Ngọc Lập yêu quê hương xứ nhãn như yêu chính mình, anh càng yêu nghề thầy thuốc của anh. Lúc còn đang công tác, anh chỉ lo chuyên môn, đó là lương tâm trách nhiệm cao cả của một thầy thuốc giàu tâm đức. Mặc dù gần 40 năm công tác trong ngành y, trên dưới 20 năm là Giám đốc một bệnh viện đứng đầu tỉnh, những năm đó anh đã yêu thơ rồi, nhưng không dám đi chuyên sâu về thơ, có lẽ anh sợ bị “nàng thơ” quyến rũ mà sao nhãng chuyên môn và công việc quản lý của mình chăng? Đúng! Anh là như vậy, thời kỳ đương nhiệm anh từng làm thơ nhưng chỉ làm thơ ứng khẩu, hoặc nhắc nhở bệnh nhân, chuyển tải những quy chế, nội quy của bệnh viện bằng những câu lục bát đơn sơ:

Dân ta sao quá thật thà

Coi phòng khám bệnh như là chợ phiên

Cứ ngồi đợi xuất ưu tiên

Gặp thày thuốc “dởm” ưu tiền đấy thôi.

...Bồi dưỡng trực bát bánh đa

Không có người lái hóa ra đa sầu.


Lúc về hưu, Hoàng Ngọc Lập mới lao tâm, khổ tứ vì thơ. Anh viết:

Tuổi hưu mới học làm thơ

Gửi đi mà chẳng bao giờ được đăng.

Anh khiêm tốn vậy thôi, chứ khi đã lao vào thơ là chuyên tâm lắm, câu chữ chỉnh trang, có chất lượng, có trách nhiệm với bạn đọc, như khi anh cầm dao kéo trước tính mạng của bệnh nhân vậy. Nhà thơ Hoàng Ngọc Lập đã viết những bài thơ, câu thơ hay, thể hiện tài thơ của anh:

Tắc kè chết cứng trong bình rượu

Mắt còn ngơ ngác ngó nhìn ai

Hồn đã đi về miền hoang dã

Xác còn gửi lại chốn lai rai.

(Bài Rượu tắc kè)

Và anh nặng lòng với quê hương sinh ra:

Hồn như đơm đó ngọn tre

Quay đi mắc núi, quay về mắc sông.

Một bài thơ không chỉ tác giả, mà tôi cũng như rất nhiều đồng nghiệp tâm đắc và yêu thích nhất trong tập “Trăng treo xứ nhãn” của anh là bài “Rót”:

Ngồi buồn rót nắng vào mưa

Rót quên vào nhớ, rót trưa vào chiều

Rót hờn giận với thương yêu

Rót chân quê với phiêu liêu giang hồ.

Rót khôn ngoan với dại khờ

Rót hư vô xuống xanh mờ cỏ xanh.

Sau ngày tái lập tỉnh một năm, tại Đại hội Hội VHNT tỉnh  lần thứ nhất, tháng 1-1998, anh Hoàng Ngọc Lập trở thành hội viên. Đến với thơ muộn, nhưng anh là một trong những nhà thơ viết có tâm huyết, đầu tư công sức cật lực để bù đắp những khoảng trống ấy. Chỉ trong vòng 9 năm, từ 1999-2005, anh đã cho in 4 tập thơ (2 lần được giải thưởng VHNT Phố Hiến, và cuộc thi thơ Lục bát). Trong dự kiến và di cảo còn 4 tác phẩm nữa, 1 tập thơ, 2 tập sưu tầm thơ, 1 tập bình luận văn học.

Nhà thơ Hoàng Ngọc Lập đã được Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp VHNT nhưng anh chưa kịp nhận đã vội vã ra đi.

Khi còn làm việc anh hết lòng với bệnh nhân, tận tình với đồng nghiệp. Khi đi vào thơ ca anh sáng tác hết mình và chân tình với bạn thơ hết mình.

Chúng tôi hai lần cùng đi dự Trại sáng tác Văn học của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ở Đà Lạt (2002) và Vũng Tàu (2004). Cả hai lần đi xa hàng ngàn cây số, anh em rất lo sức khỏe cho anh vì lúc này anh đã gần 70 tuổi rồi. Nhưng ngược lại, anh chỉ lo sức khỏe cho chúng tôi (chúng tôi đều kém anh chục tuổi). Lần nào đi xa như vậy, trong cái cặp số to đùng của anh chỉ có 2 bộ quần áo, còn lại là đầy đủ các loại thuốc, rồi ống nghe, dụng cụ đo huyết áp...  Quả thật, lương tâm trách nhiệm một thầy thuốc như anh thì dù ở đâu, với cương vị nào điều đó vẫn luôn thường trực. Anh em chúng tôi thật sự an tâm trong mỗi chuyến đi có bác sĩ, nhà thơ Hoàng Ngọc Lập. Đi đường sợ chúng tôi mệt mỏi, hoặc lái xe buồn ngủ. Để lái xe tỉnh táo, các nhà thơ ngắm cảnh thiên nhiên, anh đã cho chúng tôi uống một “liều thuốc tinh thần” bằng những câu thơ bút tre dí dỏm:

Chưa đi chưa biết Lạt Đà (Đà Lạt)

Đi rồi lại gặp mấy bà Tây Ninh

Mấy bà xinh ơi là xinh

Văn xuôi cũng mệt, thơ tình cũng mê.

Và khi đến Vũng Tàu:

Vũng Ta sao gọi Vũng Tàu

Bãi Sau, Bãi Trước cho sầu nhạn bay.

Đi đâu anh cũng có thơ ứng tác, anh em trong hội văn nghệ tỉnh gọi anh là bút tre Phố Hiến. Nhà thơ Hoàng Ngọc Lập là thế! Vừa trữ tình, vừa châm... hóm. Anh là cộng tác viên của Báo Hưng Yên, Báo Giáo dục & Thời đại, Tạp chí Tài hoa trẻ, Báo Sức khỏe và Đời sống. Anh ra đi, bạn bè thương tiếc anh, các báo tiếc anh!

Lê Hồng Thiện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ