Chiều 1/10, Bệnh viện K phát động Tháng hành động vệ sinh tay “Bảo vệ sự sống - Hãy vệ sinh tay” hưởng ứng ngày Thế giới rửa tay bằng xà phòng (15/10).
Nhiễm khuẩn bệnh viện đang là vấn đề toàn cầu. Nhiễm khuẩn làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, kéo dài ngày nằm viện, tăng dùng kháng sinh nên tăng kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị. Nghiên cứu tại 55 bệnh viện từ 14 quốc gia của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các nước này là 8,7%. Ước tính ở bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 1,4 triệu người bệnh trên thế giới bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Tại Việt Nam, kết quả điều tra tại 36 bệnh viện phía Bắc cho thấy tỷ lệ này gần 8%.
Mục tiêu của ngành y là kiểm soát nhiễm khuẩn, ngăn ngừa sự lan truyền các tác nhân gây nhiễm khuẩn trong khám chữa bệnh. Trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nó được coi là liều vắcxin tự chế rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người.
Các y bác sĩ Bệnh viện K thực hành các bước rửa tay. |
Một số nghiên cứu cho thấy chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy. Căn bệnh tưởng chừng đơn giản này đã khiến hàng triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quang, phụ trách công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết với đặc thù điều trị bệnh ung bướu, đa số người bệnh điều trị hóa trị, xạ trị gây suy giảm miễn dịch nên phòng ngừa nhiễm khuẩn là việc rất quan trọng.
Bệnh viện tuyên truyền để cán bộ y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân hiểu về tầm quan trọng của việc vệ sinh tay, hạn chế tối đa sự lây lan của các loại vi khuẩn. Bệnh viện tổ chức ký cam kết thực hiện vệ sinh tay đúng quy định giữa Ban Giám đốc, Công đoàn với lãnh đạo và nhân viên các khoa, phòng.
Cũng theo tiến sĩ Quang, bệnh viện cũng sẽ giám sát sự tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà. Mục tiêu giảm thấp nhất tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện. Đến hết năm nay, 90% nhân viên y tế, người bệnh, người nhà... tuân thủ rửa tay.