Vắc-xin mũi 3 không bảo vệ 100% khỏi Covid-19

GD&TĐ - Các chuyên gia cho biết, vắc-xin Covid-19 mũi 3 không thể bảo vệ người tiêm khỏi SARS-CoV-2 hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nhập viện và tử vong giảm đáng kể ở người tiêm mũi 3.

Hiệu quả mũi 3 của vắc-xin Pfizer được đánh giá là khá tốt.
Hiệu quả mũi 3 của vắc-xin Pfizer được đánh giá là khá tốt.

Các tỉnh, thành “rục rịch” tiêm mũi 3

Đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19. Trong đó, làn sóng thứ 4 có diễn biến phức tạp nhất. Trong các biện pháp chống dịch được triển khai, tiêm vắc-xin là một trong những yếu tố quan trọng để ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Dự kiến, đến cuối tháng này, Việt Nam phủ 2 mũi vắc-xin cho toàn bộ dân số từ 18 tuổi trở lên. Đến hết tháng 1/2022, dự kiến hoàn tất tiêm vắc-xin 2 mũi cho trẻ 12 - 17 tuổi.

Song song quá trình phủ 2 mũi cơ bản, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác đã triển khai tiêm mũi bổ sung (mũi 3) cho người từ 50 tuổi và có bệnh nền. Sau đó, tiếp tục nhắc lại cho dân số từ 12 tuổi trở lên.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu triển khai tiêm liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản là ít nhất 3 tháng.

Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, ngành Y tế và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức để tổ chức tiêm vắc-xin bằng nhiều hình thức phù hợp và thuận tiện cho người dân.

Tại Phú Thọ, kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 mũi thứ 3 cho nhóm ưu tiên cũng được triển khai. Tỉnh sẽ tiến hành tiêm mũi thứ 3 cho khoảng 157.540 người. Trong đó, 116.302 người thuộc nhóm nguy cơ cao; 41.238 người thuộc nhóm lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Hiệu quả tốt với Pfizer

Chia sẻ về hiệu quả của mũi vắc-xin thứ 3, Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Trường Đại học New South Wales (Australia) dẫn chứng: Các nhà khoa học Do Thái đã hồi cứu dữ liệu của 1.137.804 người 60 tuổi trở lên được tiêm 2 liều Pfizer tối thiểu 5 tháng. Một số trong nhóm này đã được tiêm liều bổ sung. Tuy nhiên, số người tiêm liều bổ sung không được công bố.

Mỗi cá nhân sẽ được đếm số ngày theo dõi sau khi tiêm vắc-xin. Trung bình, mỗi người được theo dõi 14 ngày sau khi tiêm vắc-xin. Đơn vị để phân tích là ngày - người. Chẳng hạn, 140 ngày - người có nghĩa là 10 người được theo dõi 14 ngày.

Kết quả cho thấy, ở nhóm không tiêm liều bổ sung, xác suất nhiễm là 0,085 trên 100 ngày - người. Ở nhóm tiêm liều bổ sung, xác suất nhiễm là 0,0088 trên 100 ngày - người. Như vậy, hiệu lực của liều bổ sung là 90%.

Giáo sư Tuấn cũng dẫn chứng một phân tích khác từ Do Thái được công bố trên Lancet. Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy, tiêm liều bổ sung có hiệu quả chống nhiễm và tử vong khá tốt. Nghiên cứu này so sánh dữ liệu của 728.321 người được tiêm đủ 2 liều vắc-xin Pfizer và 728.321 người được tiêm liều bổ sung.

Kết quả cho thấy, ở nhóm không tiêm liều bổ sung, tỷ lệ nhập viện là 221 trên 100.000 người. Xác suất tử vong là 32 trên 100.000 người. Ở nhóm tiêm liều bổ sung, xác suất nhập viện là 14 trên 100.000 người. Tử vong là 6 trên 100.000 người. Do đó, hiệu lực của liều bổ sung là giảm nguy cơ nhập viện 93%, giảm nguy cơ tử vong 81%.

“Những kết quả trên đây cho thấy, tiêm liều bổ sung (liều 3) đối với vắc-xin Pfizer có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm, nhập viện và tử vong so với nhóm tiêm 2 liều. Ngay cả liều bổ sung cũng không bảo vệ 100%.

Đó chính là dữ liệu thực tế cho thấy. Cả hai nghiên cứu đều cho thấy, ở những người tiêm 3 liều vắc-xin Pfizer vẫn bị nhiễm và có nguy cơ tử vong, dù thấp hơn so với những người tiêm 2 liều”, Giáo sư Tuấn nhận định. 

Ưu tiên người cao tuổi

Trong khi đó, TS.DS Phạm Đức Hùng - Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ) cho rằng, chiến thuật tiêm vắc-xin bổ sung là đúng đắn.

“Dù vắc-xin không thể bảo vệ lây nhiễm và tử vong 100%, chúng cũng giảm nguy cơ rất nhiều. Với thuốc mới là Paxlovid làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong tới 90%, chúng ta có quyền lạc quan về cuộc chiến với virus. Quan trọng là giữ tinh thần tích cực, làm việc khoa học và nhìn nhận sự thật khách quan”, chuyên gia này chia sẻ.

Tuy nhiên, theo TS Hùng, vấn đề là nên tiêm mũi thứ 3 vắc-xin nào để có hiệu quả bảo vệ tốt hơn và thời gian tiêm là bao lâu. Dựa trên các dữ liệu, TS Hùng nhận định, việc Bộ Y tế đề xuất tiêm liều bổ sung cách 3 tháng là có lý.

Tuy nhiên, nếu được, cần ưu tiên vắc-xin Pfizer/Moderna cho người có nhu cầu (cao tuổi, suy giảm miễn dịch...). Bởi, theo chuyên gia này, một kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, 1/2 liều Pfizer bình thường trong mũi 3 cũng có hiệu quả rất lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ