Vắc-xin giảm 80 - 90% tỷ lệ tử vong do cúm ở người già

GD&TĐ - Mới đây, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, đợt rét đậm rét hại sẽ tác động đến nước ta từ nay đến ngày 2/1/2021.

Bệnh nhân cao tuổi được điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhân cao tuổi được điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị. Ảnh: BVCC.

Dự báo nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng Bắc Bộ phổ biến từ 6 - 9 độ C, vùng núi 3 - 6 độ C, vùng núi cao dưới 0 độ và có khả năng cao xảy ra băng giá và sương muối. Các chuyên gia nhận định, đây là đợt rét đậm, rét hại mạnh và sâu nhất tại Việt Nam, kể từ tháng 1/2016.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhiệt độ thấp và khả năng đề kháng của cơ thể giảm là điều kiện thuận lợi để vi trùng, virus, nấm mốc, ký sinh trùng… phát triển. Đặc biệt, người cao tuổi và trẻ em dễ mắc bệnh hơn các mùa khác, đáng lưu ý nhất là cúm mùa.

“Virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 týp A, B và C. Virus cúm A có khả năng gây nhiễm các loài động vật có vú (như lợn và ngựa), các loài chim và gia cầm. Trong đó, virus cúm B và C chỉ gây bệnh ở người.

Vỏ của virus bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemaglutinin) và kháng nguyên trung hoà N (Neuraminidase)”, chuyên gia giải thích.

Theo đó, có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân týp khác nhau của virus cúm A.

Trong quá trình lưu hành của virus cúm A, 2 kháng nguyên này, nhất là kháng nguyên H, luôn luôn biến đổi. Những biến đổi nhỏ liên tục gọi là “trôi” kháng nguyên, thường gây các vụ dịch vừa và nhỏ.

Những biến đổi nhỏ dần tích lại thành lớn, tạo nên phân týp kháng nguyên mới gọi là “thay đổi” kháng nguyên. Đó là do sự tái tổ hợp giữa các chủng virus cúm động vật và cúm người. Những phân týp kháng nguyên mới này sẽ gây đại dịch cúm trên toàn cầu.

PGS Nga nhấn mạnh, các vắc-xin cúm an toàn và có hiệu quả phòng cúm với tỷ lệ bảo vệ từ 70 - 90%. Đối với người cao tuổi, vắc-xin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70 - 80% tỷ lệ tử vong liên quan đến cúm.

Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cúm phụ thuộc vào tuổi tiêm và đáp ứng miễn dịch của người được tiêm. Ngoài ra, phụ thuộc vào mức độ giống nhau giữa thành phần virus của vắc-xin và các virus đang lưu hành. 

Hầu hết, bệnh nhân cúm chỉ cần điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ virus trong vài ngày. Kháng sinh không có tác dụng diệt virus. 

“Trong nhiều năm qua, 4 loại thuốc điều trị cúm đã được sử dụng là Amantadine và Rimantadine, Zanamivir và Oseltamivir. Các thuốc này ngăn sự nhân lên của virus cúm. Nếu sử dụng trước khi bị bệnh hay trong 2 ngày đầu của bệnh, những thuốc này có thể phòng bệnh hoặc giảm số ngày bị bệnh”, PGS Nga cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, Amantadine và Rimantadine thường gây nên tác dụng phụ ở người già sử dụng liều cao. Thậm chí, có xu hướng dẫn đến kháng thuốc. Amantadine gây phản ứng phụ ở hệ thần kinh trung ương trong số 5 - 10% người sử dụng. Đặc biệt, phản ứng phụ có thể nặng hơn ở những người già hoặc bệnh nhân suy thận.

“Những thuốc mới ức chế men neuraminidase như Zanamivir and Oseltamivir có ít tác dụng phụ hơn và ít dẫn đến kháng thuốc. Tuy nhiên, các thuốc này đắt hơn và không phổ biến ở nhiều nước”, chuyên gia giải thích.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ