Vắc xin điều trị ung thư: Cơ hội sống cho người bệnh

GD&TĐ - Vắc xin không chỉ có tác dụng phòng bệnh, mới đây, tại Nhật Bản, các nhà khoa học đã điều chế ra một loại vắc xin có khả năng khống chế, kiểm soát tế bào ung thư. Hiện tại, các nhà khoa học của Trường ĐH Y Hà Nội đang chuẩn bị các tiền đề để có thể đưa được loại vắc xin này về Việt Nam.

Vắc xin ung thư mang đến cơ hội điều trị hữu hiệu cho bệnh nhân.
Vắc xin ung thư mang đến cơ hội điều trị hữu hiệu cho bệnh nhân.

Tin vui về vắc xin mới

Phát minh mới của các nhà khoa học Nhật Bản về vắc xin điều trị bệnh ung thư đã mang đến những hy vọng mới cho những người không may mắc căn bệnh này.

Chia sẻ về thông tin này, GS.TS Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Các nhà khoa học của trường đang chuẩn bị đưa vắc xin điều trị ung thư từ Nhật Bản về Việt Nam. Thông thường mọi người đều nghĩ rằng, vắc xin chỉ có tác dụng phòng bệnh. Tuy nhiên, loại vắc xin này dùng để điều trị bệnh chứ không phải phòng bệnh. Đây là nghiên cứu trọng điểm trong chuỗi các hoạt động nhằm phòng chống bệnh ung thư của Đại học Y Hà Nội sắp được triển khai trong thời gian tới.

“Cơ chế của việc dùng vắc xin điều trị ung thư cho người bệnh là: Các bác sỹ sẽ lấy kháng nguyên từ chính khối u của bệnh nhân, tách chiết rồi truyền trở lại cho người bệnh giúp tạo kháng thể tiêu diệt tế bào ung thư cho người bệnh.

Tại Nhật Bản, đã có những bệnh viện đang thực nghiệm việc điều trị này cho các bệnh nhân. Trong quá trình điều trị đã mang lại những hiệu quả tích cực với một số nhóm bệnh ung thư. Tại các viện đó, khi hội đồng y đức của viện và lãnh đạo thông qua, bệnh nhân có thể sử dụng vắc xin trị ung thư này. Đối với Việt Nam khi đưa vắc xin này về, nếu được Bộ Y tế thông qua, chúng tôi sẽ bắt tay vào triển khai”, GS Tạ Thành Văn chia sẻ.

Cơ chế trong điều trị ung thư

PGS.TS Trần Huy Thịnh - Phó Trưởng bộ môn Hóa - Sinh, Đơn vị Tế bào trị liệu, Đại học Y Hà Nội giải thích cụ thể: Đối với bệnh ung thư, hiện nay vắc xin là một phương pháp điều trị và không được sử dụng để phòng bệnh như nhiều loại bệnh lý khác. Ung thư trong cơ thể con người có nhiều loại như ung thư phổi, gan, dạ dày, vú… và ngay bản thân mỗi loại ung thư cũng có nhiều thể bệnh với mức độ biệt hoá và tiến triển khác nhau.

Bản chất của ung thư là sự tích lũy đột biến gen dưới tác động của các yếu tố có hại trong môi trường sống, làm mất kiểm soát hoạt động sinh trưởng, biệt hoá và chết theo chương trình tế bào; biến các tế bào lành thành những tế bào ác tính và trở thành ung thư.

Khi đó, các tế bào ung thư sẽ sản xuất và biểu hiện các phân tử bất thường, là hậu quả của hiện tượng đột biến gen và được gọi là các kháng nguyên ung thư. Các tế bào ung thư và những phân tử bất thường này được hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện là các tế bào và phân tử “lạ”, có hại đối với cơ thể nên cần được khu trú và loại bỏ ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, bản thân các tế bào ung thư cũng có những cơ chế để thoát khỏi sự kiểm soát của hệ thống miễn dịch của cơ thể.

“Nguyên lý của liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư là kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để nhận diện, tấn công và loại bỏ các tế bào ung thư. Đối với phương pháp vắc xin ung thư, các nhà khoa học trên thế giới tách chiết các kháng nguyên ung thư từ tổ chức khối u hoặc dùng công nghệ để tổng hợp nên các loại kháng nguyên này.

Sau đó chúng được dùng để “kích hoạt” các tế bào của hệ thống miễn dịch bên trong, hay bên ngoài cơ thể để các tế bào miễn dịch này có khả năng nhận diện, tấn công các tế bào ung thư một cách hiệu quả hơn. Và cũng giống như hiện tượng vắc xin, các tế bào nhận diện đúng phân tử đó thì sẽ kích hoạt cả hệ thống miễn dịch để chống lại ung thư”, PGS.TS Trần Huy Thịnh nhấn mạnh.

Theo PGS Thịnh, việc đưa vắc xin điều trị ung thư từ Nhật Bản về Việt Nam sẽ giúp các bác sỹ và người bệnh ung thư có thêm một phương pháp điều trị bệnh.

Khi kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư hiện có sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, giúp kiểm soát bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ Y sinh trên thế giới và ở Việt Nam trong những năm vừa qua sẽ là cơ sở khoa học vững chắc để tạo ra các kháng nguyên đặc hiệu, giúp nâng cao hiệu quả điều trị của vắc xin, để liệu pháp này trở thành một phương pháp điều trị ung thư triển vọng trong thời gian tới.

Thời gian qua, Bệnh viện K có nhiều cải tiến kỹ thuật cũng như quá trình ứng dụng công nghệ điện tử để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ung thư.

Bệnh viện đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ lựa chọn phác đồ điều trị ung thư, xây dựng hệ thống y tế trực tuyến Telemedicine nhằm hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (big data).

Mới đây, Bệnh viện K chính thức ký kết với Viện Ung thư châu Âu về chuyển giao, đào tạo phẫu thuật bằng robot trong điều trị, phòng chống ung thư. Hệ thống phẫu thuật robot là một dạng phẫu thuật xâm lấn tối thiểu thích hợp để can thiệp, cắt bỏ khối u.

Robot cho phép thực hiện những thủ thuật chính xác, dễ dàng, hỗ trợ bác sĩ trong việc điều trị ung thư. Dự kiến hệ thống robot sẽ hoạt động vào tháng 8.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.