Thực hiện chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh cùng với việc phát hiện những dấu hiệu bất thường sớm, chẩn đoán đúng và có kế hoạch điều trị thích hợp sẽ đẩy lùi căn bệnh ung thư.
Ung thư ngày càng gia tăng
Theo con số thống kê, năm 2018 có 18 triệu người mắc mới ung thư trên thế giới. Dự kiến tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi năm 2040. Đây là gánh nặng bệnh tật lớn cho người bệnh.
Thông báo của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2018 Việt Nam có 164.671 ca mắc ung thư, 114.871 người tử vong và hiện đang có trên 300.000 người mắc. Như vậy, có thể thấy, bệnh ung thư ở Việt Nam có xu hướng gia tăng.
Các nhà khoa học đã chỉ ra, ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn). Di căn là nguyên nhân gây tử vong chính của ung thư.
Tuy nhiên, khoa học ngày càng phát triển thì ung thư không đồng nghĩa với tử vong. Hiện nay, kết quả điều trị ung thư nói chung đã được cải thiện rõ rệt, trong đó nhiều loại ung thư có tỉ lệ khỏi cao, bệnh nhân sống khỏe mạnh, phát triển bình thường và thành công trong cuộc sống sau này.
Việc phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán đúng và kế hoạch điều trị thích hợp sẽ mang lại kết quả điều trị cho người bệnh đặc biết là trẻ em.
Vì sao mắc bệnh ung thư?
Theo thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hằng - Khoa Ung Thư, Bệnh viện Nhi Trung ương: Nguyên nhân gây bệnh của nhiều loại ung thư chưa được xác định rõ. Các bác sĩ hiếm khi biết tại sao người này bị ung thư và người kia thì không;
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư. Ở người lớn, yếu tố nguy cơ bao gồm hút thuốc, béo phì và các yếu tố môi trường.
Ở trẻ em, yếu tố nguy cơ rất khác nhau và thay đổi tùy loại bệnh, ít khi do một nguyên nhân cụ thể nào mà có sự tương tác phức tạp giữa biến đổi di truyền và các yếu tố môi trường.
Người tiếp xúc với tia xạ liều cao, hóa chất như benzen,… có nguy cơ bị ung thư cao hơn.
Cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đi khám như: Trẻ xanh xao, bầm tím hoặc chảy máu, nhức xương toàn thân; Trẻ có khối u hoặc hạch to, không đau, không sốt, hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng khác;
Trẻ sụt cân không lý do, hay ho, sốt dai dẳng, khó thở, ra mồ hôi trộm vào ban đêm; Có những thay đổi về mắt, đồng tử có màu trắng, lác mắt, mất thị giác, bầm tím da hoặc xung quanh mắt; Có triệu chứng chướng bụng;
Trẻ đau đầu dai dẳng bất thường hoặc đau dữ dội, nôn (nhất là lúc sáng sớm); Trẻ đau nhức xương hoặc tứ chi, sưng không phải do chấn thương hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng".