Gần 16.0006 nghìn người tiêm chủng
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng chương trình mở rộng (TCMR) quốc gia, có 4.260 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong ngày 15/3.
Tới nay, sau một tuần triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, có 15.865 người đã được tiêm ở 12 tỉnh/thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hoà Bình và Khánh Hoà.
Các nhóm được tiêm bao gồm: Cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện những nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 15/3, chương trình TCMR đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng thông thường với các dấu hiệu như: Sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chuẩn… Những dấu hiệu này tương tự thông báo của nhà sản xuất vắc-xin AstraZeneca.
Các thông điệp tư vấn và hướng dẫn theo dõi phản ứng sau tiêm của loại vắc-xin mới này được các cán bộ y tế truyền tải cho từng người đi tiêm chủng. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, người được tiêm chủng cần thông báo ngay cho các cơ sở y tế. Nhờ đó, ngành y tế kịp thời xử lý theo đúng quy định, giúp các trường hợp có phản vệ độ 2 và 3 sớm ổn định sức khỏe.
40 tỷ đồng bảo hiểm cho tình nguyện viên
Trước đó, tại Trường Đại học Y Hà Nội, chương trình nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin COVIVAC phòng Covid-19 do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế nghiên cứu và sản xuất chính thức triển khai tiêm vắc-xin cho người tình nguyện tham gia.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế, tất cả người tham gia nghiên cứu phải có bảo hiểm y tế.
Hiện tại, IVAC đã mua bảo hiểm y tế cho tất cả tình nguyện viên tham gia nghiên cứu. Bộ Y tế đã nhận được hồ sơ IVAC trình. Công ty ký hợp đồng chịu trách nhiệm tổng số tiền tối đa mua bảo hiểm cho cả đợt nghiên cứu là khoảng 40 tỷ đồng.
Cũng theo ông Quang, việc mua bảo hiểm là quy định “cứng” của Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới. Ông Quang đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết đối với việc tuân thủ các quy định về pháp lý và đạo đức trong nghiên cứu.
Chia sẻ về thời gian thử nghiệm vắc-xin giai đoạn 2 tại Vũ Thư (Thái Bình), ông Quang cho biết, theo nguyên tắc, trước hết, cần có kết quả nghiên cứu giai đoạn 1. Sau đó, sẽ tiến tới đánh giá tính an toàn, bước đầu xác định hiệu lực và được hội đồng đạo đức thông qua.
“Giá vắc-xin sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, ông Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh
Làm chủ công nghệ
Không ít ý kiến bày tỏ về khả năng vắc-xin ngừa Covid-19 COVIVAC có công nghệ tương đồng của AstraZeneca. Chia sẻ về vấn đề này, TS Dương Hữu Thái - Viện trưởng IVAC cho biết, COVIVAC và vắc-xin của AstraZeneca có sự tương đồng về công nghệ vector.
Tuy nhiên, hai giá thể và công nghệ sản xuất khác nhau. Trong đó, công nghệ của AstraZeneca sử dụng Adenovirus tái tổ hợp, còn của COVIVAC dùng Newcastle virus.
“Vắc-xin ngừa Covid-19 của IVAC được sản xuất dựa trên công nghệ trứng gà có phôi. Trong khi đó, AstraZeneca sản xuất theo công nghệ nuôi cấy tế bào. Công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi đã được quốc tế sử dụng nhiều. Và, hiện tại, IVAC đã làm chủ công nghệ này”, TS Thái khẳng định.
Anh N.H.M (41 tuổi) - một trong 6 tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vắc-xin COVIVAC, chia sẻ: “Trước khi được tiêm, tôi phải trải qua quá trình khám sinh tồn, khám lâm sàng, sau đó lấy máu, thử máu. Tôi cảm thấy quy trình vô cùng chặt chẽ”.
Nam tình nguyện viên này chia sẻ, trước khi tiêm vắc-xin, anh cảm thấy vừa vui xen lẫn hồi hộp. Anh cũng bày tỏ mong muốn, COVIVAC sẽ là vắc-xin sớm được quốc tế công nhận và có thể ngăn ngừa Covid-19 thành công.
“Tôi không hề băn khoăn, dù hồi hộp nhưng cũng không lo lắng vì được tư vấn kỹ càng”, tình nguyện viên này chia sẻ.
Nữ tình nguyện viên sinh năm 1995 chia sẻ, cô biết tới chương trình tuyển người thử nghiệm vắc-xin qua thời sự. Sau khi đắn đo, nữ tình nguyện viên quyết định đăng ký thử nghiệm.
“Lúc đầu khi đăng ký, tôi cũng lo lắng. Tuy nhiên khi được bác sĩ tư vấn, khám sức khoẻ, tôi thấy đỡ phần nào. Là một trong 6 người được tiêm đầu tiên, tôi khá lo lắng và hồi hộp. Tuy nhiên, tôi mong muốn được đóng góp một phần công sức cho cộng đồng.
Bởi, phải có những người tình nguyện mới có thể biết vắc-xin hiệu quả không. Tôi mong Việt nam sẽ có loại vắc-xin do chính nước ta sản xuất, với mức giá phải chăng để người dân dễ dàng tiếp cận”, nữ tình nguyện viên bày tỏ.