Vắc-xin - 'chìa khoá' phòng bệnh sốt xuất huyết

GD&TĐ - Theo các chuyên gia y tế, "vũ khí" hiệu quả nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết chính là vắc-xin.

Toạ đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?”.
Toạ đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?”.

Chiều 3/12, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?”.

Nhiều năm nay, dịch sốt xuất huyết vẫn luôn là một trong những mối quan tâm chính trong công tác phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế nước ta. Đáng lo ngại hơn khi dịch bệnh ngày càng có diễn biến phức tạp trong những năm gần đây.

TS.BS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, Việt Nam có 2 bệnh lưu hành trong công tác phòng, chống dịch được quan tâm. Đó là bệnh tay chân miệng và bệnh sốt xuất huyết.

Với sốt xuất huyết, hằng năm, trên thế giới có từ 100 - 400 triệu người mắc và hơn 10.000 người tử vong. Riêng tại Việt Nam, trung bình mỗi năm, có khoảng 200.000 người mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong, tỉ lệ tử vong thấp.

Nguyên nhân là bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh, thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt, đây là bệnh lây truyền qua vector là muỗi vằn.

"Do đó, từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch, chúng tôi rất quan tâm đến bệnh sốt xuất huyết này", TS Đức cho biết.

sxh1.jpg
TS.BS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).

Theo TS Hoàng Minh Đức, trong 40 năm vừa qua, thế giới đã rất cố gắng để có một phương pháp tốt nhất và hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh. "Vũ khí" hiệu quả nhất chính là vắc-xin.

GS.TS Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, hiện nay có rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết.

sxh2.jpg
GS.TS Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam.

Theo chuyên gia này, trước đây, Việt Nam ghi nhận chu kỳ cứ 10 - 12 năm có một vụ dịch lớn. Thế nhưng, từ năm 2019 - 2023, chúng ta đã ghi nhận 2 vụ dịch rất lớn với hàng trăm nghìn ca mắc.

Mặt dịch tễ của sốt xuất huyết tại nước ta cũng có những thay đổi lớn. Trước đây, dịch chủ yếu tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung. Hiện nay, dịch đã lan rộng tới những địa phương khác như Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ.

Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP. Hà Nội và một số tỉnh miền núi hiện nay cũng đã ghi nhận sốt xuất huyết lưu hành.

Tình hình đô thị hóa không được kiểm soát, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu, đặc biệt là vấn đề giao thông đi lại tạo điều kiện cho dịch bệnh lan rộng cũng là một trong những nguyên nhân khiến sốt xuất huyết khó kiểm soát.

Tháng 5 vừa qua, vắc-xin phòng sốt xuất huyết của Takeda đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đây là vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.

Nước ta bắt đầu triển khai tiêm chủng từ cuối tháng 9 cho người dân tại các đơn vị tiêm chủng công lập và tư nhân trên toàn quốc. Trước đó, vắc-xin này đã được cấp phép tại 40 quốc gia.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, để có thể phòng, chống sốt xuất huyết bền vững, bên cạnh tiêm vắc-xin, người dân cũng cần thực hiện các biện pháp như: thường xuyên kiểm tra các vật dụng trong nhà như bình hoa, các thùng, lu, các mảnh vỡ, chai lọ, phế phẩm đọng nước, các vật dụng trữ nước... Các vật dụng này khi không sử dụng cần được lật úp.

Việc loại bỏ môi trường sinh sôi, phát triển của muỗi là biện pháp phòng bệnh căn cơ, lâu dài, hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bức tranh biếm họa cho thấy châu Âu đối mặt với mùa đông lạnh khi thiếu khí đốt Nga.

Giá khí đốt châu Âu tăng kỷ lục

GD&TĐ -Nga lại là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu vào tháng 9 nhưng đã tiếp tục chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến nguồn cung trước mùa đông hạn chế.