Quyết định này được cho là phù hợp trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt, song nó cũng có thể nảy sinh những hệ lụy về tính cạnh tranh không cao, khả năng nhường điểm, cho điểm tái diễn…
Mới mà cũ
Hội nghị BCH VFF đã đưa ra quyết định mang tính lịch sử cho V-League. Theo đó, thay vì tổ chức theo thể thức vòng tròn 2 lượt (sân nhà - sân khách) như 20 năm qua, V-League 2020 sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, các đội sẽ đá vòng tròn 1 lượt để xác định thứ hạng. Tám đội dẫn đầu bước vào giai đoạn 2 đá vòng tròn 1 lượt để tranh chức vô địch. Sau đội cuối bảng cũng thi đấu tương tự để xác định suất xuống hạng.
Các đội V-League thay vì đá 26 vòng thì chỉ đá 13 vòng của giai đoạn một, sau đó sẽ đá thêm năm đến bảy trận của giai đoạn hai tùy thuộc vào việc họ rơi vào nhóm đua danh hiệu hay nhóm tránh xuống hạng. Tổng số trận đấu tối đa mỗi đội ở V-League năm nay là 20, thay vì 26. Đội nào vào đến chung kết Cúp Quốc gia sẽ đá thêm tối đa bốn trận. Sự thay đổi này được coi là cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam, song điều này không mới với bóng đá thế giới.
Có rất nhiều LĐBĐ trên thế giới đang áp dụng thể thức này cho giải quốc nội. Ở châu Á, có thể kể tới giải VĐQG Hàn Quốc (K-League). Điểm khác biệt là giải đấu số 1 xứ sở kim chi chỉ có 12 đội tham dự và được chia làm 3 giai đoạn. Ở châu Âu, nhiều quốc gia cũng đang áp dụng thể thức này như Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Slovakia, Scotland, Ukraine...
Điểm chung là các giải đấu này có số đội bóng tham dự không nhiều, từ 16 đội đổ xuống nên có thể dễ dàng tổ chức giai đoạn 1 (xếp hạng) theo thể thức 2 lượt trận (sân nhà - sân khách) để bảo đảm công bằng. Một số giải đấu cũng được chia làm 2 giai đoạn. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2, các giải đấu này lại tổ chức thi đấu theo dạng play-off (tứ kết, bán kết và chung kết).
Theo HLV kỳ cựu Lê Thụy Hải, thể thức này không phải sáng kiến gì đặc biệt. Lần gần nhất giải vô địch quốc gia Việt Nam thi đấu theo hình thức tương tự là mùa 1996, khi còn mang tên “Giải bóng đá các đội mạnh toàn quốc”. Năm đó, 12 đội đá vòng tròn hai lượt ở giai đoạn một, chọn sáu đội vào tranh vô địch ở giai đoạn hai (không có nhóm thi đấu xuống hạng).
Nguy cơ xin - cho điểm
Nhưng bóng chưa lăn theo thể thức mới thì người ta đã thấy có quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Chẳng hạn theo quy định, thành tích ở giai đoạn 1 sẽ không được tính trong giai đoạn còn lại. Kết quả của 13 lượt đầu chỉ tính xếp hạng phân nhóm, không tính cho giai đoạn phân nhóm sau. Như vậy, ngay cả khi dẫn đầu BXH sau 13 vòng đấu đầu tiên, điều này cũng không có ý nghĩa gì nhiều với các CLB khi mà họ sẽ phải làm lại từ đầu ở 7 vòng đấu tiếp theo trong giai đoạn 2, cũng sẽ là 7 vòng đấu có tính chất quyết định tới chức vô địch của giải đấu.
V-League 2020 chỉ có một đội xuống hạng nên giải hạng Nhất chỉ có một đội lên hạng; các trận đấu sẽ trở lại từ ngày 5/6 và kết thúc vào ngày 31/10 để bảo đảm thời gian cho đội tuyển Việt Nam dự nhiều giải lớn cuối năm 2020.VFF cũng sẽ áp dụng quy định được thay 5 người trong 3 lượt mỗi trận như cho phép của FIFA. Việc đưa khán giả trở lại sân cũng tuỳ địa phương trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh.
Thế nên, ở góc độ chuyên môn, thể thức thi đấu mới có thể sẽ làm giảm tính cạnh tranh của V-League 2020. Thay vì buộc phải đá hết mình để giành 3 điểm, những CLB sau khi tích lũy đủ điểm số để chắc suất nằm trong tốp 8 có thể sẽ “buông” các vòng đấu cuối giai đoạn 1 để giữ sức cho giai đoạn 2, thậm chí còn chủ động “nhường điểm” với “người quen” để nâng đỡ. Ngược lại, các đội nhóm yếu không có khả năng lọt vào nhóm 8 sau 13 vòng đầu tiên, họ có thể “buông” ngay từ đầu hoặc đá không đúng khả năng ở những vòng đấu cuối để giữ sức, bởi vì giai đoạn 2 các đội nhóm dưới cũng sẽ phải đá lại từ đầu và khi đó mới xác định đội phải xuống hạng.
Nhìn nhận về nguy cơ này, HLV Lê Thụy Hải cho biết: “Kiểu chia tách này không mới nhưng nó rất nhàm chán. Nhiều đội cạnh tranh vô địch có khi không đặt mục tiêu nhất thiết phải đầu bảng nữa, cứ vào nhóm 8 đội đã rồi tính toán tiếp. Nhóm có khả năng xuống hạng thì trong giai đoạn đầu tiên cũng không phải quá căng sức. Họ có thể nghĩ đường nào cố cũng ở nhóm cuối rồi, nên phải tính toán cho giai đoạn sau”.
Thực tế, V-League đã có 20 năm xây dựng và đi lên chuyên nghiệp. Nhưng phần nào đó V-League mới chỉ được khoác lên mình cái tên chuyên nghiệp. Giải đấu tồn tại quá nhiều vấn đề chưa thể giải quyết. Vấn nạn thi đấu không sòng phẳng, cơ chế xin, cho điểm vẫn còn hiện diện, nhức nhối. Những mối quan hệ chằng chịt ở nhiều cấp độ, các cuộc “đá bóng” dưới gầm bàn được cho là vẫn còn tồn tại; còn có tình trạng một người có khả năng chi phối nhiều đội bóng, đội này “giúp” đội kia, có tác động rất lớn và quyết định đến cuộc đua vô địch hay trụ hạng.
Thế cho nên, VFF cần có những quy định bổ sung cho thể thức thi đấu của V-League 2020, như vẫn tính kết quả của giai đoạn 1 vào giai đoạn 2, hoặc nâng cao vai trò giám sát, xử lý chặt chẽ, khách quan các đội, cầu thủ thi đấu “không đúng khả năng” chuyên môn. Có như thế mới tránh cho V-League 2020 không rơi vào cảnh “chợ chiều” cùng những nguy cơ về các cuộc xin - cho điểm, nhường điểm.