Cuộc thăm dò được Levada tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 22-6 và kết quả được công bố hôm 24-6.
Số công dân Nga được khảo sát bày tỏ sự không hài lòng với những quyết sách của ông Putin chỉ chiếm 10% trong khi 64 % nghĩ rằng các chính sách hiện hành của Moscow là chính xác - cao nhất trong lịch sử đất nước.
Về việc bổ nhiệm ông Dmitry Medvedev làm thủ tướng, 66% người dân đồng tình với nhà lãnh đạo của họ, trong khi 33% tỏ ra không hài lòng. Ngoài ra, nội các Nga đương thời nhận được 62% sự tín nhiệm và 37% phản đối.
Uy tín của TT Putin tăng cao ngất ngưởng những năm gần đây. Ảnh: RIA Novosti
Khi Levada yêu cầu những người được khảo sát nêu tên 5-6 chính trị gia họ yêu thích, Tổng thống Putin một lần nữa dẫn đầu danh sách với 64% lượt chọn. Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu đứng thứ hai với 28%. Vị trí thứ ba chia đều cho Thủ tướng Medvedev và Ngoại trưởng Sergey Lavrov, mỗi người 21%.
Trong khi đó, uy tín của các thủ lĩnh đối lập Nga thấp hơn đáng kể. Chủ tịch Đảng Cộng sản Gennadiy Zyuganov nhận được 11% bình chọn; 9% gật đầu bỏ phiếu cho thủ lĩnh Đảng Dân chủ Tự do Vladimir Zhirinovskiy và chỉ có 4% ủng hộ Chủ tịch Đảng nước Nga Công bằng Sergey Mironov.
Đồng thời, 9% người dân Nga không tin tưởng vào bất kỳ chính khách nào và 13% trả lời họ không quan tâm đến chính trị.
Trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3-2018 tới, 57% người dân nga được hỏi cho biết họ muốn ông Putin tái đắc cử tổng thống. 25% chọn ứng viên khác, số còn lại đang phân vân.
Uy tín của TT Putin liên tục tăng từ hồi năm ngoái. Tháng 3 vừa qua, mức tín nhiệm người dân dành cho ông chạm mốc con số 85%, bất kể lạm phát gia tăng do kinh tế khó khăn.
Liên quan đến cuộc “đối đầu” giữa Moscow và NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 24-6 khẳng định khối này không chạy đua vũ trang với Nga. Tuy nhiên, ông mô tả “hành động xâm lược” của Nga với láng giềng Ukraine buộc NATO phải “tăng cường khả năng phòng thủ”.
Tuần trước, một quan chức Điện Kremlin cáo buộc NATO đang đẩy Nga vào một cuộc chạy đua vũ khí bằng cách đẩy mạnh hoạt động quân sự xung quanh khu vực biên giới nước này, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây.
Trong tuần này, Mỹ công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạng nặng tại các nước thành viên NATO dọc biên giới Nga, không lâu sau khi Tổng thống Putin tuyên bố Moscow sẽ bổ sung 40 tên lửa vào kho vũ khí hạt nhân của mình.
Ông Stoltenberg sau đó biện hộ quyết định tích trữ trang thiết bị quân sự của Mỹ ở Đông Âu là một “phản ứng thận trọng” nhằm đối phó với hành động của Nga. Cũng theo ông Stoltenberg, các bộ trưởng quốc phòng của NATO đã nhất trí tăng cường sức mạnh của lực lượng phản ứng nhanh, bao gồm không quân, hải quân và lực lượng đặc biệt. Số lượng thành viên tăng từ 13.000 lên 40.000 người.