Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cơ bản nhất trí sửa đổi Luật Giáo dục

Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cơ bản nhất trí sửa đổi Luật Giáo dục

Chiều ngày 23/10, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. 

Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cơ bản nhất trí sửa đổi Luật Giáo dục ảnh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân

Về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong tờ trình Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 (thay thế Luật Giáo dục năm 1998) tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục.

Qua 3 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã nảy sinh một số điểm chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn, một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho rõ ràng hơn, dễ hướng dẫn, dễ thực hiện. Những sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện chế độ, chính sách đối với người học, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong những năm qua chủ trương đổi mới, phân cấp quản lý giáo dục đã từng bước được thực hiện. Một số quy định của Luật cần được sửa đổi phù hợp với chủ trương này như các quy định về thẩm quyền thành lập trường đại học, thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong đó có việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục đối với tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này nhằm tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Ngày 19 tháng 6 năm 2009, Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ 5 thông qua Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, một số nội dung của Nghị quyết cần được thể chế trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào các quan hệ kinh tế thế giới, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên, quản lý tốt hơn hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Với những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết. 

Sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển và được đầu tư nhiều hơn ảnh 2
Sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển và được đầu tư nhiều hơn

Tiếp theo, Ủy viên, Ủy ban thường Vụ Quốc Hội, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc Hội Đào Trọng Thi đã đọc bản Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Theo đó, bản báo cáo thẩm tra cho rằng: Luật đã tạo được bước tiến quan trọng, tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong hoạt động giáo dục. Sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển và được đầu tư nhiều hơn, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập được tăng cường; quy mô giáo dục, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp được mở rộng; trình độ dân trí được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, sau hơn ba năm thi hành, Luật Giáo dục cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực thi hành và để phù hợp hơn với thực tiễn. Vì vậy, Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ cơ bản nhất trí với sự cần thiết và quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho rằng: việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này nên tập trung vào những vấn đề thật sự bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu lực quản lý giáo dục. Việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Giáo dục cần phải có thời gian nghiên cứu công phu, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thật đầy đủ việc thi hành Luật Giáo dục, cùng với việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 cũng như đề án tổng thể về cải cách giáo dục theo tinh thần các Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, bảy và chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X).

Ngoài những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Tờ trình của Chính phủ, Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ còn đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung thêm một số vấn đề sau:

Về học phí, phí dịch vụ

Điều 105 Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.

 Tuy vậy, thực tiễn hiện nay còn có sự nhầm lẫn trong nhận thức và vận dụng giữa học phí, phí dịch vụ và tiền đóng góp các loại quỹ trong nhà trường, dẫn đến tình trạng thu bổ tuỳ tiện ở một số cơ sở giáo dục, nhiều nơi còn lạm dụng chủ trương về xã hội hoá giáo dục và quy định về các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục, mượn danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu thêm những khoản trái quy định, gây bức xúc trong dư luận và thắc mắc trong nhân dân. Uỷ ban đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể và minh bạch các khoản tiền đóng góp, các loại quỹ, các loại phí dịch vụ trong các cơ sở giáo dục và cơ chế thu, quản lý, sử dụng các khoản thu đó nhằm thiết lập lại kỷ cương, phòng chống tiêu cực trong nhà trường.

Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

Hiện nay giáo dục nghề nghiệp do hai Bộ quản lý: trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý; dạy nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, làm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp bị chia cắt, phân tán, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp. Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp vào thời điểm thích hợp để thuận lợi trong công tác quản lý, chuẩn xác trong các hoạt động dự báo và hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển, tăng hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như việc sử dụng các nguồn lực.

Về việc bổ sung chế tài trong một số quy định của Luật

Luật Giáo dục hiện hành còn thiếu chế tài trong một số quy định như: Điều 87 về “Nghĩa vụ làm việc có thời hạn theo sự điều động của Nhà nước” chưa có chế tài để xử lý những trường hợp sinh viên được Nhà nước cấp kinh phí đào tạo ở nước ngoài nhưng không trở về nước làm việc, hoặc không chấp hành sự điều động của Nhà nước mà không có lý do chính đáng; Điều 53 quy định về “Hội đồng trường” song cho đến nay hầu hết các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thực thi quy định này, chưa thành lập hội đồng trường… Đề nghị Dự án Luật rà soát toàn diện, xác định những vấn đề cần quy định có tính bắt buộc cao hơn để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm chế tài chặt chẽ nhằm tăng cường tính nghiêm minh và hiệu lực của Luật.

Cũng trong chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn trình bày Tờ trình về dự án Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.

Trần Nhật

Giá vàng hôm nay tiếp đà giảm nhẹ

Giá vàng hôm nay tiếp đà giảm nhẹ

GD&TĐ - Giá vàng trong nước hôm nay (23/9) tiếp đà giảm nhẹ về gần 69 triệu đồng/lượng. Ngược chiều giá vàng thế giới tăng so với phiên trước.