Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tình hình kinh tế - xã hội đất nước

GD&TĐ - Ngày 17/10 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 4, chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 20/10 tới đây. Một trong những nội dung trọng tâm của phiên họp là tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH) của đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tình hình kinh tế - xã hội đất nước

Khó đạt tăng trưởng GDP 6,3 - 6,5%

Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT - XH, đến thời điểm này, nền kinh tế đất nước đã vượt qua những khó khăn rất lớn trong quý I và quý II, lấy lại đà phục hồi và phát triển từ đầu quý III. Tốc độ tăng trưởng GDP quý III đã đạt 6,4%, cao hơn quý I (tăng 5,48%) và quý II tăng (5,78%). Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng đã cao hơn nhiều hơn so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm (5,52%).

Với các điều kiện ổn định của thị trường thế giới, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và doanh nghiệp, Chính phủ cho rằng, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt khoảng 6,3 - 6,5% (thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 6,7%).

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, tốc độ tăng GDP không đạt kế hoạch mà báo cáo của Chính phủ chủ yếu đề cập đến những nguyên nhân khách quan, chưa phân tích rõ về những nguyên nhân chủ quan. Nhìn rộng hơn, sự sụt giảm tăng trưởng của nông nghiệp cho thấy những bất cập của một nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng bày tỏ lo ngại, những dự báo về những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao hơn là vốn đầu tư phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch, nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút vốn FDI tăng và quy luật GDP quý cuối bao giờ cũng tăng cao hơn các quý trước…. thì hầu hết là chưa chắc chắn, chưa được định lượng cụ thể. Do đó, theo ông Thanh, kết quả ước thực hiện cả năm GDP tăng 6,3 - 6,5% cũng chỉ là kỳ vọng, sẽ rất khó đạt được.

Chính phủ cần trình Quốc hội duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam do Bộ GTVT đề xuất cần được báo cáo trình Quốc hội để xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư. Cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động đến nhiều vùng, miền. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư tuyến đường này cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế.

Trước đó, Bộ GTVT trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2020, với tổng mức đầu tư gần 230.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động.

Bộ Tài chính cho biết rất khó để thu xếp đủ vốn cho dự án; đề xuất ngân sách hỗ trợ vốn là rất lớn so với kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng. Theo Bộ Tài chính, ngành ngân hàng thời gian qua đã cho các nhà đầu tư BOT vay ở mức khá cao nên dư địa không còn nhiều. Do vậy, việc huy động vốn nên định hướng lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng huy động được các nguồn vốn ngoài nước với mức lãi suất vốn vay hợp lý.

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi đại biểu ủng hộ đồng bào miền Trung

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kêu gọi các đại biểu Quốc hội ủng hộ đồng bào miền Trung vừa phải chịu những hậu quả nặng nề của trận lũ lụt.

“Trong lúc chúng ta đang họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng, phải chịu những hậu quả nặng nề bởi mưa lũ và chuẩn bị phải đón một cơn bão lớn. Để thể hiện tinh thần tương thân tương ái hướng về đồng bào miền Trung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quyên góp, và sắp tới, trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ vận động tất cả đại biểu quyên góp cho đồng bào miền Trung để góp phần giảm bớt những thiệt hại nặng nề” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ