Nội dung kiểm tra tại tỉnh Lạng Sơn bao gồm: Kiểm tra thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên , thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020. Kiểm tra thực hiện pháp luật, chính sách và các đề án, dự án về hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Việc thực hiện các chính sách pháp luật trong việc hỗ trợ cho thanh niên nông thôn đi làm ăn xa.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn việc thực hiện pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên năm 2016, trong những năm qua, công tác thanh niên của tỉnh Lạng Sơn có những chuyển biến tích cực, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, tạo điều kiện huy động và tổ chức lực lượng thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tăng cường chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thanh niên; đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết việc làm, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên.
Tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên các cấp trong toàn tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, tham mưu tích cực với cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch về công tác thanh niên; thường xuyên phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc bồi dưỡng và giáo dục thanh niên, từng bước xã hội hoá công tác thanh niên. Hiện nay, tỷ lệ tập hợp thanh niên tham gia sinh hoạt thường xuyên trong tổ chức Đoàn, Hội chiếm hơn 63% tổng số thanh niên toàn tỉnh.
Đã có 70% thanh niên trong tỉnh được tuyên truyền, học tập các văn bản chính sách, pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh giới thiệu trên 2.600 đoàn viên ưu tú cho Đảng. Tổ chức Đoàn Thanh niên đã tư vấn, hướng nghiệp cho trên 3.300 thanh niên, tổ chức học nghề cho trên 250 thanh niên, giới thiệu việc làm cho trên 2.300 thanh niên.
Qua báo cáo, các đại biểu trong đoàn công tác của Ủy ban quốc gian về thanh niên Việt Nam đã có một số ý kiến trao đổi, chia sẻ, góp ý để tỉnh Lạng Sơn triển khai tốt hơn trong thời gian tới.
Ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - thừa nhận tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế và nhận thức của thanh niên chưa được như mong muốn. |
Theo nhận định của ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh còn có một số khó khăn chung, trong đó do cơ chế thị trường nên thanh niên nông thôn thường đi làm ăn xa nhiều, dó công tác giáo dục lý tưởng cách mạng tại tỉnh còn nhiều hạn chế. Lạng Sơn là tỉnh miền núi gần với Trung Quốc, số thanh niên xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động cũng tương đối nhiều, nhu cầu tìm công ăn việc làm là chính đáng nhưng ông Thiệu nhấn mạnh cần có biện pháp quản lí, vận động; khuyến khích xuất cảnh hợp pháp để quản lí thanh niên được tốt hơn.
Khó khăn nữa đối với Lạng Sơn, trong thời đại thông tin, phương tiện đa dạng như hiện nay thì có những thông tin độc hại, không chính xác chính thanh niên là lớp ham hiểu biết, tò mò thường hay bị tác động. Đây là vấn đề khó khăn của tỉnh và cần có sự phối hợp từ Trung ương. Lạng Sơn là tỉnh nghèo, việc tạo việc làm tại chỗ rất khó khăn. Điều kiện cơ sở vật chất cho việc tuyên truyền giáo dục thanh niên còn gặp nhiều khó khăn, hệ thông thông tin cơ sở thiếu thốn nhiều. Dân số tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là đồng bào dân tộc, số lượng thanh niên người dân tộc rất lớn (chiếm khoảng hơn 80%), do đó trình độ dân trí còn hạn chế, ảnh hưởng tới nhận thức của thanh niên.
Phát biểu kết thúc chương trình làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện chính sách cho thanh niên. Tỉnh đã thực hiện các văn bản chỉ đạo khá nghiêm túc, Thứ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của Đoàn thanh niên trong việc thu hút các phong trào, hoạt động. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị trong thời gian tới UBND tỉnh Lạng Sơn cần bổ sung những kết quả đạt được trong báo cáo của tỉnh gửi về Ủy ban để thấy được cụ thể hơn những chủ trương chính sách về thanh niên của tỉnh.
Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ kiểm tra tại 12 tỉnh. Đây là một hoạt động định kỳ hàng năm của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam với mục đích nắm tình hình và đôn đốc các địa phương, các bộ ngành về triển khai thực hiện chính sách về thanh niên để từ đó, sẽ có những kiến nghị đề xuất nhằm hoàn thiện các chính sách, pháp luật về thanh niên.