Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết đã ban hành Công văn số 3043/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/7/2018 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện tinh giản biên chế ngành Giáo dục. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện công tác tinh giản biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục với các nội dung như sau:
Việc tinh giản biên chế ngành Giáo dục phải gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên đối với mỗi cấp học, chế độ làm việc, chính sách cũng như việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại hệ thống, quy mô trường, lớp học của địa phương.
Không cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế giao hàng năm để thực hiện tinh giản biên chế mà cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá kết quả làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hàng năm để sàng lọc, phân loại làm căn cứ tinh giản biên chế.
Có kế hoạch và giải pháp giải quyết dứt điểm số viên chức và người lao động vượt quá số biên chế được giao; có giải pháp bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên theo môn học. Trong những năm tới, ưu tiên biên chế được giao để tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới ở phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tăng cường vai trò chủ động tham mưu, đề xuất của sở, phòng GD&ĐT; vai trò kiểm tra, giám sát và sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, các ban ngành, đoàn thể trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế cũng như công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ ở các địa phương để bảo đảm việc thực hiện tinh giản biên chế đúng quy định, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Năm 2019, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tinh giản biên chế đối với đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.