Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuẩn bị đội ngũ giáo viên năm học 2018 - 2019, trong đó nêu rõ thực trạng thừa, thiếu giáo viên tại một số địa phương và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời (Công văn số 4635/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 5/10/2018 của Bộ GD&ĐT).
Thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã trao đổi, thống nhất để Bộ Nội vụ xây dựng Báo cáo số 5068/BNV-TCBC ngày 11/10/2018 về việc điều chỉnh biên chế sự nghiệp ngành Giáo dục.
Theo đó, tính đến thời điểm 30/10/2018, toàn quốc thiếu 65.065 giáo viên mầm non và đề nghị Chính phủ, trước mắt xem xét bổ sung 26.726 biên chế giáo viên mầm non cho 17 địa phương có mức tăng dân số cơ học cao (nhiều khu công nghiệp và đô thị) và 5 tỉnh Tây Nguyên; tiến hành rà soát lại số giáo viên đang lao động hợp đồng từ năm 2015 trở về trước ở các cấp học, trên cơ sở đó thực hiện tuyển dụng ngay số giáo viên đang hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao có năng lực phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên việc tuyển dụng giáo viên cho cấp mầm non; bố trí giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường mầm non tư thục; quy hoạch và phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư.
Về lương và chế độ của giáo viên mầm non, Bộ GD&ĐT ghi nhận ý kiến cử tri, chia sẻ những khó khăn, vất vả của giáo viên mầm non và phối hợp với các bộ, ngành rà soát, phát hiện bất hợp lý trong chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp để đề xuất chế độ tiền lương mới sau năm 2021 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó có chế độ lương của giáo viên mầm non.