Không vì dư luận mà ồ ạt xây trường

Không vì dư luận mà ồ ạt xây trường

(GD&TĐ) - Với nhiều lớp học sĩ số đến 60 HS/lớp, dư luận cho rằng, trường học Hà Nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hồng Nga thì cho rằng việc thiếu chỉ là cục bộ, và khẳng định: Hà Nội xây trường sẽ bám vào mạng lưới quy hoạch trường lớp trên địa bàn; không thể chỉ chạy theo dư luận.

Phó Giám đốc Phạm Thị Hồng Nga cho biết:

- Việc nhập cư vào Hà Nội quá dễ dàng trong những năm qua khiến thành phố trở nên quá tải. Một năm bình quân các cháu mầm non ra lớp tăng từ 17 đến 28 nghìn trẻ, cá biệt có năm tăng 35 nghìn trẻ khiến chỗ học bị ùn lại.

Nếu chỉ dựa vào đó mà lập tức xây một loạt trường công thì sau này sẽ xảy ra thừa trường lớp? Việc xây dựng phải bám vào quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn Thủ đô. Theo quy hoạch này, mỗi một phường, một khu đô thị có ít nhất 1 - 2 trường mầm non công lập; 1 - 2 trường tiểu học công lập và 1 - 2 trường THCS. 

Sẽ dần giảm sĩ số

Vậy trong thời điểm hiện tại, khả năng đáp ứng chỗ học của các trường trên địa bàn thành phố như thế nào, thưa Phó Giám đốc?

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga.

- Cơ bản các trường học trên địa bàn Thủ đô đã đảm bảo tốt nhu cầu học tập của học sinh, nếu thiếu chỉ là cục bộ.

Ví dụ, quận Đống Đa thì thiếu trường mầm non, quận Hai Bà Trưng thì thiếu trường tiểu học, THCS, nhưng vì được chỉ đạo quyết liệt thì 2 quận này sắp tới sẽ không còn thiếu nữa. Ở quận Đống Đa đang triển khai xây không những 6 trường mầm non mà xây 8 trường.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 2.500 trường học các cấp. Trong số này, chỉ cá biệt có lớp sĩ số 60 học sinh, không phải là tất cả, thậm chí trong 1 trường có 1 - 2 lớp như vậy.

Còn lại, một số phường trong quận nội thành như Hoàn Kiếm, phường này sát vách với phường kia, đi mấy bước chân là đến, vậy chỉ cần có 1 trường là đáp ứng được yêu cầu của cả 2 phường. 

Tuy vậy, tình trạng sĩ số quá đông trên lớp vẫn còn. Hiện tượng này liệu có sớm được khắc phục?

- Ngành Giáo dục vẫn đang nỗ lực, tất nhiên không phải một lúc là có trường ngay nên có thể trong một vài năm có sĩ số lớp học cao một chút, nhưng sĩ số lớp học đang giảm dần. Hiện sĩ số học sinh ngoại thành là 35 - 40 học sinh/lớp.

Năm học vừa qua, Hà Nội đã giảm sĩ số cho cấp THPT từ 45 học sinh/lớp xuống còn 43. Năm tới sẽ tiếp tục giảm sĩ số bởi với tốc độ xây trường học và sự quan tâm đến trường lớp như Hà Nội hiện nay, có thể khẳng định trong những năm tới Hà Nội sẽ không còn tình trạng thiếu trường lớp. 

Năm học vừa rồi, cấp tiểu học có 88 nghìn em ra trường, nếu cùng con số này vào lớp 1 sẽ không thiếu lớp; nhưng thực tế số vào lớp 1 lên tới 129 nghìn em. Tuy vậy, tuyển sinh Hà Nội vẫn yên ắng, đó là do làm tốt công tác dự báo, đáp ứng kịp thời chỗ học. Chẳng hạn, trong vòng 4 năm qua, thành phố đã xây được 115 trường mầm non. 

Bên cạnh đó, trong khi nhiều tỉnh, thành, bậc tiểu học chỉ được học 1 buổi/ngày, nhưng tại Hà Nội 96% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đó là cố gắng, nỗ lực  rất lớn của Hà Nội trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, dân nhập cư lại đông.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 1 - 2 trường nội thành trong số 470 trường tiểu học chưa đủ chỗ học 2 buổi/ngày, phải học luân phiên. Điều này cũng là nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của phụ huynh.

Trường MN Chu Văn An sắp tới được mở rộng thêm với diện tích 2.100m2
Trường MN Chu Văn An sắp tới được mở rộng thêm với diện tích 2.100m2   

Một loạt trường học chuẩn bị xây mới

Hà Nội chủ trương thu hồi đất không sử dụng để ưu tiên xây trường, đến nay, việc này đã được thực hiện như thế nào?

- Hiện nay, các quận huyện đang có khảo sát nhu cầu đi học và có dự kiến, nếu chỗ nào có đất, thì tất cả các số đất không sử dụng sẽ thu hồi lại để ưu tiên xây trường, để đảm bảo quy hoạch trường lớp. Những nơi không còn quỹ đất như các quận nội thành lõi sẽ cho phép nâng tầng, nhưng đảm bảo an toàn cho trẻ, những tầng trên dùng làm phòng làm việc cho giáo viên,  tầng dưới làm lớp học. 

TP Hà Nội là nơi làm quyết liệt việc này. Dự án nào không đi vào sử dụng trong một số năm nhất định đã được rà soát đồng thời thu hồi. Một loạt trường học chuẩn bị xây mới ví dụ, số 94 Lò Đúc là nhà máy rượu bia Hà Nội đã quy hoạch lại dành một phần đất để xây trường học cho quận Hai Bà Trưng; địa chỉ 67 Ngô Thì Nhậm hay ở Bế Văn Đàn cũng chuẩn bị xây trường học...

Trường ngoài công lập có được ưu tiễn quỹ đất không, thưa bà?

-  Hà Nội ưu tiên hàng đầu làm thế nào tạo được đối trọng giữa trường công và trường tư, một phần vì ngân sách thành phố không thể gánh hết được, phần khác tạo sự cạnh tranh cho các trường công lập, nếu không các trường này sẽ giảm chất lượng nhanh chóng.

Đây cũng là để đảm bảo chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục. Chủ trương của Hà Nội là ưu tiên cho các trường ngoài công lập chất lượng tốt. Do đó, các trường ngoài công lập trên địa bàn được ưu tiên quỹ đất sạch và giảm thuế trong năm đầu tiên.

 - Một thời gian Hà Nội thiếu trầm trọng trường tại các khu đô thị mới. Tình trạng này đã được khắc phục chưa, thưa bà?

- Có thể khẳng định, hiện trường học các khu đô thị mới không còn thiếu nữa. Cách đây một vài năm thì tình trạng này có xảy ra. Sau khi dư luận và cử tri phản ánh, lập tức Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra, trong đó Sở GD&ĐT Hà Nội là một trong những thành phần.

Đoàn kiểm tra cách đây 3 năm đã đi đến tất cả các khu đô thị mới, yêu cầu tất cả quỹ đất xây trường trong khu đô thị phải bàn giao cho quận, huyện đó để họ làm chủ đầu tư xây trường học với thời điểm nhanh nhất, chứ không cho chủ dự án đứng ra xây. Và trường được xây là trường công chứ không phải ngoài công lập. 

Cho đến thời điểm này, nhiều trường học đã được khánh thành và làm chuẩn quốc gia. Vừa rồi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đi kiểm tra một loạt khu đô thị mới như: Khu đô thị Xa La, Văn Quán của Hà Đông, khu đô thị Văn Phú đều có các trường đạt chuẩn quốc gia.

Trong khu đô thị đó đã có những trường công lập theo quy hoạch rồi, nay tiếp tục khuyến khích xây dựng các trường ngoài công lập để tạo đối trọng với trường công, và có thể cạnh tranh bình đẳng để giảm bớt sức ép lên ngân sách nhà nước... Còn nói chung, trong một vài năm tới, Hà Nội sẽ không thiếu trường lớp học.

Xin cảm ơn bà!

Hải Bình  thực hiện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.