Ưu đãi thu hút giáo viên tại Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Trước tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương ĐBSCL triển khai chính sách thu hút nhà giáo nhằm đảm bảo nhân lực phục vụ ngành Giáo dục.

Trước tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương triển khai chính sách thu hút nhà giáo về công tác.
Trước tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương triển khai chính sách thu hút nhà giáo về công tác.

Thu hút giáo viên Chương trình mới

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có 322 trường học từ mầm non đến THPT. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục của tỉnh gần 10.000 người.

Dù được quan tâm, tạo điều kiện trong việc tuyển dụng nhưng tỉnh vẫn còn thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên phục vụ các môn học Chương trình GDPT mới.

Qua thống kê của ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang, địa phương còn thiếu 184 giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật cho các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Tỉnh Hậu Giang quy định mức hỗ trợ cho giáo viên khi về tỉnh này công tác là 50 triệu đồng/giáo viên/5 năm. Mức hỗ trợ này được tính trả một lần và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và các phí khác. Trường hợp giáo viên thuộc đối tượng hưởng các mức hỗ trợ ưu đãi khác trong lĩnh vực thu hút thì chỉ được hưởng theo một mức cao nhất.

Đối với người nhận chính sách thu hút này phải cam kết giảng dạy có thời hạn 5 năm kể từ ngày tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ ngoài tỉnh về các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Trường hợp giáo viên đã nhận kinh phí thu hút không thực hiện đúng thời gian công tác như đã cam kết, phải hoàn trả kinh phí đã nhận theo quy định.

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục Hậu Giang xác định nhu cầu đội ngũ giáo viên là 846 người. Trong đó, có 535 biên chế giáo viên chưa sử dụng, phải cần thêm 311 giáo viên ngoài biên chế để bảo đảm nhu cầu học tập của học sinh.

Đối với nhân viên là 506 người, trong đó, có 34 biên chế chưa sử dụng, phải cần thêm 472 nhân viên ngoài biên chế. Ước tổng kinh phí thực hiện gần 75 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Riêng đối với các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT sử dụng trong nguồn kinh phí hoạt động để chi trả.

Khó khăn là tỉnh không có nguồn tuyển giáo viên, trong khi năm học 2022 - 2023 môn Tin học và tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh khối lớp 3 cấp tiểu học; cấp THPT có thêm môn Âm nhạc, Mỹ thuật triển khai áp dụng đầu tiên cho học sinh khối lớp 10.

Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang, để giải quyết khó khăn do khan hiếm hồ sơ giáo viên dự tuyển, Sở GD&ĐT đã có tờ trình về các giải pháp bổ sung lực lượng giáo viên còn thiếu. Tỉnh cũng xác định, cần có cơ chế chính sách thu hút đặc thù đối với lực lượng giáo viên thiếu nếu không sẽ khó đáp ứng được nhiệm vụ năm học.

Để kịp thời giải quyết khó khăn, Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang thông qua Nghị quyết quy định chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ Thuật tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/7/2022. Về kinh phí, tỉnh chi hơn 9 tỉ đồng hỗ trợ tuyển dụng đủ giáo viên tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Chính sách thu hút giáo viên là giải pháp thu hút được người tài, vừa đảm bảo nhân lực phục vụ ngành Giáo dục.

Chính sách thu hút giáo viên là giải pháp thu hút được người tài, vừa đảm bảo nhân lực phục vụ ngành Giáo dục.

Ưu đãi giáo viên vùng khó

Tại tỉnh Tiền Giang, vấn đề thiếu giáo viên đang là khó khăn mà tỉnh đang tìm giải pháp tháo gỡ. Theo rà soát của Sở GD&ĐT, đầu năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 3.228 giáo viên mầm non (thiếu 343 giáo viên), 5.906 giáo viên tiểu học (thiếu 322 giáo viên), 4.579 giáo viên THCS (thiếu 207 giáo viên) và 2.080 giáo viên THPT (thiếu 112 giáo viên).

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Tiền Giang, tín hiệu vui là vừa qua Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026; trong đó, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, ở bậc học mầm non, tại Kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh, khóa X năm 2021 đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập công tác tại các địa bàn khó tuyển dụng.

Chính sách khuyến khích cụ thể: Cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc đối tượng được quy định được hưởng chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, gồm: Trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

Chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Theo đó, trẻ em mầm non thuộc đối tượng quy định trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Giáo viên mầm non bảo đảm các điều kiện quy định trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng…

Về cơ bản, Nghị quyết của tỉnh đã giúp cho các địa phương bổ sung được nguồn giáo viên cho bậc học mầm non công lập. Còn bậc học phổ thông, ở một vài địa phương, đội ngũ giáo viên chưa đủ để đáp ứng việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học.

Theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, một số cơ sở giáo dục còn thiếu giáo viên giảng dạy bộ môn Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc và Tin học... Để giải quyết thực trạng này, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ có cơ chế đặt hàng cũng như liên kết đào tạo lực lượng giáo viên để kịp thời bổ sung.

Từ năm 2013 đến nay, Sở đã liên kết với Trường ĐH Tiền Giang đào tạo trên 1.200 giáo viên mầm non trình độ cao đẳng để tạo nguồn giáo viên mầm non cho các địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ