Điều này nhằm phục vụ trực tiếp các dự án điện hạt nhân và trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đến năm 2013, nước ta có 792 cán bộ có trình độ đại học trở lên đang làm việc ở 40 lĩnh vực chuyên môn khác nhau trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó, nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân là 300 người, còn số cán bộ có chuyên môn về công nghệ, an toàn lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân chỉ khoảng 100 người.
So với nhu cầu thực tế, nhân lực ngành năng lượng nguyên tử thiếu cả về số lượng, cơ cấu chuyên môn và trình độ ở 5 lĩnh vực hoạt động: nghiên cứu và phát triển; điện hạt nhân; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; quản lý nhà nước; đào tạo.
Báo cáo mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay nhu cầu nhân lực của nước ta trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến năm 2020 cần tới 4.355 người, riêng lĩnh vực hạt nhân cần 2.850 người, trong đó, số cán bộ chuyên môn về công nghệ, an toàn lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân khoảng 1.600 người.
Chính phủ đã dành khoảng 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để đào tạo cán bộ khoa học trong lĩnh vực điện hạt nhân từ trình độ cao đẳng, đại học đến sau đại học cũng như đào tạo các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam dành khoảng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách của Tập đoàn để đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành nhà máy điện hạt nhân.