Uống sữa không đường thay cơm có tốt cho bệnh nhân tiểu đường?

GD&TĐ - Thưa bác sĩ, tôi đi khám và được chẩn đoán là tiểu đường tuýp 2. Dù bác sĩ tư vấn vẫn có thể ăn cơm, nhưng tôi rất lo lắng bởi nghe nói cơm chứa lượng đường cao, không tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Vậy tôi có nên uống sữa không đường thay thế cho cơm được không thưa bác sĩ?  Trần Thọ (Hà Đông, Hà Nội).

Uống sữa không đường thay cơm có tốt cho bệnh nhân tiểu đường?

Ths.BS Tạ Xuân Trường, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp (BV Đa khoa Nông nghiệp) trả lời:

Câu hỏi của bác là quan tâm của rất nhiều bệnh nhân tiểu đường. Không ít bệnh nhân tiểu đường sợ cơm đến mức không dám ăn cơm vì sợ tăng đường huyết. Họ thay thế cơm bằng cách ăn rất nhiều các loại thịt nên giúp đủ năng lượng cung cấp cho cơ thể, nhưng năng lượng này là mất cân đối cho bệnh nhân do thiếu đi gluxit (chất bột đường).

Uống sữa không đường thay cơm có tốt cho bệnh nhân tiểu đường? ảnh 1

Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường vẫn phải đảm bảo 4 nhóm, chất bột đường, đạm, chất béo và chất xơ nhưng theo nguyên tắc hạn chế gluxit (chất bột đường) chứ không phải cấm hoàn toàn.

Việc hạn chế gluxit để tránh tăng đường huyết sau khi ăn và hạn chế vừa phải chất béo nhất là các axit béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hoá. Mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn để có chế độ ăn phù hợp nhất.

Trong đó, gluxit (chất bột đường) do bệnh nhân tiểu đường thường có chiều hướng tăng vọt đường huyết sau nhưng lại không chuyển hóa được để cung cấp năng lượng cho cơ thể vì thế chế độ ăn phải hạn chế gluxit. Bệnh nhân nên sử dụng các loại gluxit phức hợp dưới dạng các hạt và khoai củ. Cơm trắng là loại thực phẩm có hàm lượng carbohydrate cao, tuy nhiên bạn vẫn có thể đưa vào bữa ăn với một lượng thích hợp, khoảng một chén cơm mỗi bữa ăn.

Bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt...). Tỷ lệ năng lượng do gluxit cung cấp nên đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần.

Loại có hàm lượng gluxit ≤ 5%: người bệnh có thể sử dụng hàng ngày, gồm các loại thịt, cá, đậu phụ (số lượng vừa phải), hầu hết các loại rau xanh còn tươi và một số trái cây ít ngọt như: dưa bở, dưa hấu, nho ta, nhót chín... (sử dụng không hạn chế).

Loại có hàm lượng gluxit từ 10-20%: nên ăn hạn chế (một tuần có thể ăn 2-3 lần với số lượng vừa phải) gồm một số hoa quả tương đối ngọt như quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm, xoài chín, sữa đậu nành, các loại đậu quả (đậu vàng, đậu hà lan...)

Loại có hàm lượng gluxit từ ≥ 20%: cần kiêng hay hạn chế tối đa vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết gồm các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô...).

Với người bị tiểu đường nên chia làm nhiều bữa nhỏ để tránh tăng đường huyết nhiều sau khi ăn. Có thể chia làm 5-6 bữa nhỏ trong ngày. Với bệnh nhân điều trị bằng Insulin tác dụng chậm có thể bị hạ đường huyết trong đêm, do vậy nên cho ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ.

Một sai lầm nghiêm trọng nữa người tiểu đường hay mắc phải, đó là uống sữa không được vô tội vạ thay nước, thay cơm.

Trong khi đó, sữa không đường, tức là nhà sản xuất không cho thêm đường vào sữa. Nhưng bản chất trong sữa là có đường và khi uống vào sẽ chuyển hóa làm tăng lượng đường máu. Vì thế, dù là sữa không đường cũng chỉ nên uống lượng vừa đủ, không uống quá nhiều.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.