Trước khi mong muốn trẻ biết dành tình yêu thương cho mọi người xung quanh, cha mẹ cần đảm bảo bé được nuôi dưỡng bằng tình yêu và sự che chở của gia đình.
Biểu hiện của lòng nhân ái
Dạy con biết yêu thương, chia sẻ là một điều vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với các bé mầm non. Chúng ta đều biết rằng, trong cuộc sống không thể thiếu tình yêu. Bởi, đây là một yếu tố tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện sau này của các con để bước đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Khi nhận được tình yêu thương từ những người thân trong gia đình, trẻ sẽ cảm thấy cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Đồng thời, điều đó cũng giúp trẻ hình thành tâm lý được bảo vệ. Trẻ sẽ cảm thấy yên tâm hơn để tập trung phát triển tốt tất cả các phương diện như thể chất, trí tuệ và nhiều thứ khác nữa. Cũng từ đây, trẻ có thể hoàn thiện bản thân để trở nên tự tin thể hiện trước mọi người, tạo ra nhiều mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và ngoài xã hội.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, phụ huynh hãy luôn quan tâm và dành nhiều thời gian bên cạnh để thấu hiểu con hơn. Đồng thời, hướng dẫn trẻ cách xử lí, giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Khi cha mẹ đồng hành cùng trẻ vượt qua các khó khăn và lắng nghe, tìm hiểu sở thích của con, bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương mà mọi người dành cho mình. Dần dần, trẻ sẽ biết quan tâm ngược lại, sẵn sàng chia sẻ với mọi người xung quanh như cách mà mọi người dành cho mình.
Do đó, việc dạy trẻ về lòng nhân ái, biết quan tâm yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh là một điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là khi các bé còn nhỏ. Không chỉ trong gia đình, mà trường học cũng là môi trường vô cùng quan trọng để giáo dục trẻ về lòng nhân ái và tình yêu thương.
Ở trường mầm non, ngoài việc cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cần thiết, giáo viên còn dạy các bé về lòng yêu thương và sẻ chia. Việc dạy trẻ biết quan tâm đến người khác không phải là dễ dàng nhưng cũng không quá phức tạp. Đó là một quá trình lâu dài và bắt đầu từ hành động, định hướng của ông bà, bố mẹ, thầy cô đối với trẻ.
Lòng nhân ái là tình yêu thương, mong muốn giúp đỡ người khác. Điều này thể hiện trong cuộc sống hằng ngày thông qua nhiều tình huống khác nhau. Lòng nhân ái cũng có nét tương đồng với lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và lòng thương xót.
Trong quá trình phát triển tâm lý trẻ em, lòng nhân ái là một yếu tố quan trọng giúp bé trưởng thành tốt hơn về mặt cảm xúc. Biểu hiện của lòng nhân ái là biết đồng cảm và thấu hiểu với những nỗi đau của người khác, cũng như thể hiện lòng trắc ẩn.
Các chuyên gia cho rằng, việc trẻ thích kết nối với người khác cũng là một trong những biểu hiện của lòng nhân ái. Trẻ không nhất thiết phải kết nối với mọi người xung quanh, nhưng sẽ thích các liên kết xã hội. Bé cũng có xu hướng tham gia vào những hoạt động mang tính cộng đồng. Cha mẹ sẽ thấy con có khả năng cảm nhận được cảm xúc của người xung quanh thông qua cách chào hỏi và trò chuyện.
Ngoài ra, những bé có lòng nhân ái còn có lối sống tình cảm. Lòng nhân ái thường thể hiện qua những tiếp xúc tích cực. Đó thường là những cái ôm với cha mẹ. Không chỉ cha mẹ vỗ về con, mà bé cũng có thể có hành động thể hiện sự yêu thương người xung quanh.
Trẻ cũng thích trò chuyện và lắng nghe các thành viên gia đình. Biểu hiện của lòng nhân ái ở bé còn được thể hiện qua vốn từ vựng. Con dễ nói ra được các trạng thái cảm xúc của mình như: Vui vẻ, buồn bã, hài lòng, tức giận… Vốn từ của con phát triển nhanh theo thời gian và sẽ có thêm nhiều sắc thái mới: Bất ngờ, bối rối…
Chị Dương Thị Lý (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một phụ huynh có hai con ở độ tuổi teen, chia sẻ: “Tôi cho rằng, điều quan trọng là để trẻ thấy mình được sống trong tình yêu thương của những người xung quanh. Khi trẻ được sống trong môi trường tràn ngập tình yêu thương và sự che chở của những người thân yêu xung quanh mỗi ngày, bé sẽ cảm thấy an tâm. Do đó, dù bận rộn cỡ nào, vợ chồng tôi cũng luôn cố gắng dành thời gian bên con nhiều nhất có thể và lắng nghe các cháu”.
Một trong những “bí quyết” của nữ phụ huynh này trong việc dạy con lòng nhân ái là không tiếc những lời khen ngợi, phần thưởng dành cho trẻ. Theo chị Lý, từ khi các con còn nhỏ, chị đã có những món quà nhỏ hay lời khen ngợi mỗi khi trẻ làm việc gì đó tốt. Bởi, đó chính là cách hiệu quả tạo động lực và khuyến khích con thực hiện hành động tốt nhiều hơn nữa.
Ví dụ, cha mẹ có thể dẫn trẻ đi ăn món yêu thích, tặng một món đồ chơi, cuốn sách, hay chỉ cần nói “Con làm tốt lắm!”. Điều đó cũng đủ khiến trẻ biết hành động con đã làm là điều đúng đắn và ý thức được trong những lần sau. Bởi, theo nữ phụ huynh này, trẻ em thường rất thích nhận được những lời khen. Khi đó, tâm trạng trẻ sẽ rất vui và muốn tiếp tục làm lại những hành động tốt để có thể nghe cha mẹ khen. Dần dần, việc này xây dựng nên tính cách tốt và những hành động tích cực.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Hiền (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - phụ huynh có con học tiểu học, lại dạy trẻ kỹ năng quan tâm, yêu thương thông qua việc đọc sách.
“Những câu chuyện ý nghĩa, thú vị trong sách báo cũng là cách tôi áp dụng để dạy con mình về tình yêu thương. Tôi thường lựa chọn cuốn sách có nội dung phù hợp, nhiều hình ảnh minh họa hữu ích, giúp trẻ hình dung về ngữ cảnh. Sau đó, vợ chồng tôi cũng dựa vào đó tạo nên tình huống giả định để con làm quen. Đó là một trong những cách tôi rèn luyện cho con mình biết sống và yêu thương mọi người xung quanh mình, cũng như suy nghĩ tích cực và nỗ lực phấn đấu nhiều hơn”, nữ phụ huynh chia sẻ và cho rằng, cách làm này còn xây dựng lòng yêu thích đọc sách cho trẻ.
Dành thời gian để thấu hiểu con
Theo chuyên viên Hồ Thị Thu Hương - Trung tâm Kỹ năng sống Rồng Việt, việc dạy trẻ kỹ năng quan tâm yêu thương, biết chia sẻ với mọi người xung quanh là một điều vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Theo chuyên viên này, trong cuộc sống không thể thiếu tình yêu, vì đây là yếu tố tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của các bé sau này, để bước đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Để dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ với mọi người, phụ huynh hãy cho con được sống trong tình yêu thương của cha mẹ: Khi bé được sống trong môi trường tràn ngập tình yêu thương, che chở từ cha mẹ, ông bà và những người thân yêu xung quanh mỗi ngày, trẻ sẽ không có cảm giác bị bỏ rơi.
Gia đình cần luôn quan tâm và dành nhiều thời gian bên cạnh để thấu hiểu bé hơn, hướng dẫn con cách xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Dần dần, trẻ sẽ hiểu thế nào là tình yêu thương và biết cách sẻ chia với mọi người.
Phụ huynh cũng cần làm gương về tình yêu thương cho con. Cha mẹ hãy thể hiện sự yêu thương với nhau, quý mến tất cả mọi người xung quanh. Đồng thời, giải thích ý nghĩa của những hành động đó sẽ giúp trẻ ghi nhớ và thực hành theo như một thói quen. Tuy nhiên, tùy vào từng độ tuổi mà cha mẹ nên có cách dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ sao cho thích hợp, để bé nhanh tiếp thu và học tập những điều tốt từ phụ huynh một cách dễ dàng.
Cũng theo chuyên viên Thu Hương, cha mẹ hãy dạy trẻ những cách biểu hiện tình yêu thương đến mọi người. Sau khi đã phân tích cho bé hiểu tại sao cần quan tâm, sẻ chia thật nhiều thì cha mẹ nên hướng dẫn con cách thức thể hiện hành động cụ thể dành cho những người xung quanh như thế nào.
Có thể bắt đầu bằng một số việc làm như kính trọng người lớn tuổi, giúp đỡ người gặp khó khăn, biết nhường nhịn, chăm sóc và quan tâm người khác, biết giúp đỡ cha mẹ, biết nghe lời…
Sẽ tốt hơn hết nếu phụ huynh dạy bé bằng hành động chi tiết thay vì chỉ dùng lời nói. Điều đó sẽ chứng minh cho trẻ thấy sự sẻ chia yêu thương dành cho mọi người là như thế nào. Cha mẹ cũng nên thể hiện sự yêu thương với nhau, quý mến tất cả mọi người xung quanh và giải thích ý nghĩa của những hành động đó.
Cách dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ là việc tưởng đơn giản, nhưng thực ra không hề dễ. Bởi, trẻ còn nhỏ để hiểu và tiếp thu. Tuy khó khăn, nhưng điều quan trọng là phụ huynh cần kiên trì. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên áp dụng các phương pháp một cách linh hoạt theo từng hoàn cảnh.