Ước mong đường đến trường an toàn của cô trò vùng lũ Quảng Bình

GD&TĐ - Mưa lũ lịch sử qua đi đã để lại vô vàn khó khăn cho người dân vùng khó tỉnh Quảng Bình. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng học sinh và giáo viên vẫn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục dạy học…

Lều bạt tạm bợ được dựng lên để phục vụ việc dạy và học cho 15 học sinh bản Sắt.
Lều bạt tạm bợ được dựng lên để phục vụ việc dạy và học cho 15 học sinh bản Sắt.

Lũ đợt một chưa qua, các cơ sở giáo dục còn ngổn ngang giữa bề bộn bùn đất thì mưa lũ lại tiếp tục dồn về. Nước tại các con sông lên nhanh làm ngập cục bộ, đẩy những cán bộ giáo viên của các trường học phải gồng mình để tiếp tục chạy lũ. Lũ chồng lũ, đợt lũ lịch sử này tại Quảng Bình được xác định là lũ lịch sử khi vượt đỉnh lũ năm 1979 đến gần 50cm. Toàn bộ những khu vực vùng trũng của các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh Bố Trạch, Tuyên Hóa… đều chìm ngập trong nước lũ. Có những nơi nước lũ lên ngập 3 - 4 mét nhấn chìm rất nhiều cơ sở vật chất của các trường học.

Các đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại đối với ngành Giáo dục Quảng Bình lên tới trên 370 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 334 trường học với trên 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước; cơ sở vật chất, sách vở, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho học sinh… bị hư hỏng rất lớn.

Nước lũ rút, người dân tất tả, khẩn trương triển khai công tác khắc phục; các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân luôn quan tâm đồng hành.

Tại bản Sắt thuộc xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) có 34 hộ dân sinh sống, đợt lũ lịch sử vừa qua đã gây ngập lụt cục bộ kéo dài làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở đây có tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi khi cơ quan chức năng phát hiện vết nứt không an toàn.

Để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, các hộ dân di cư đến nơi ở tạm thời, lực lượng chức năng địa phương đã huy động dựng lều bạt, cấp lương thực thực phẩm cho người dân sinh sống tạm thời tránh mưa lũ. Ở đó, trường học tạm bợ cũng được dựng lên để các giáo viên dạy học cho những em học sinh bản Sắt theo kịp chương trình học của mình.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã giúp đỡ bản Sắt dựng lều tạm phục vụ việc học hành của các em học sinh.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã giúp đỡ bản Sắt dựng lều tạm phục vụ việc học hành của các em học sinh.

Cô giáo Từ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Trường Sơn chia sẻ: Đợt lũ lịch sử vừa qua đã làm cho điểm lẻ ở bản Sắt ngập trong nước lũ nhiều ngày làm học sinh không thể đến trường. Đồ dùng học tập, dụng cụ dạy học do ngâm trong nước lũ lâu ngày nên đã hư hỏng hết.

Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng, chúng tôi đã có lớp học tạm dựng bằng lều bạt để các em được đi học và theo kịp chương trình… Hiện nay, các đoàn từ thiện đã giúp đỡ điểm trường đã có bàn ghế, sách, vở, bút, bảng đã gần đủ, nhưng bộ sách giáo khoa lớp 1 đang thiếu nên việc dạy học cho học sinh lớp 1 gặp nhiều hạn chế.

Việc học tại lều bạt này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các em học sinh, những hôm ngoài trời mưa gió, rét mướt thấy các em co ro mà thương. Nhưng cả cô và trò cũng đang tập trung cao độ để dạy học, để vượt qua những khó khăn hiện tại mà hoàn thành chương trình của học kỳ này…

Một giờ lên lớp của các em học sinh bản Sắt
Một giờ lên lớp của các em học sinh bản Sắt

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng đội ngũ thầy cô giáo của nhà trường vẫn cố gắng hết sức để mang con chữ đến cho các em học sinh ở đây. Con đường vào bản Sắt trước nay đi đã khó, mưa lũ làm con đường xấu đi bởi bùn lầy trơn trượt. Những giáo viên đến dạy ở bản phải đi bộ gần 2 tiếng hoặc nhờ người dân bản địa thông thạo đường chở xe máy mới tới nơi.

Sau lũ, các thầy cô luân phiên nhau đến điểm trường để dạy học sinh, những hôm thời tiết thuận lợi thì giáo viên có thể đi về, còn không thì họ ở lại trường với cảnh thiếu thốn và tạm bợ trong cuộc sống của mình. Chúng tôi cũng mong sao sớm được xây dựng một điểm trường khang trang, an toàn hơn trong mưa lũ để các em đến trường an tâm học hành…  - cô giáo Hà tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.