15 tuổi, Lo Hải Âu - học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Nghệ An (tỉnh Nghệ An) đã phải xa gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập. Một năm, số lần về nhà của em chỉ đếm trên đầu ngón tay đó cũng là động lực khiến em quyết tâm học và phấn đấu không phụ sự kỳ vọng của gia đình.
Cú lội ngược dòng ngoạn mục
Khi đặt chân vào cánh cổng Trường THPT Dân tộc Nội trú Nghệ An, Hải Âu chỉ là học sinh có học lực trung bình, không đạt nhiều thành tích nổi bật so với bạn cùng lớp. Thậm chí, nam sinh khá “mờ nhạt” giữa đám đông.
Thời điểm Hải Âu lớp 10 cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát, mọi tiết học và giờ sinh hoạt lớp chủ yếu thực hiện online. Mãi đến năm lớp 11, quay trở lại học tập trực tiếp, được gặp gỡ và trò chuyện nhiều hơn cùng thầy cô, Hải Âu mới nhen nhóm dần ước mơ đến với cánh cổng trường đại học.
“Thời gian học trung học, Hải Âu không đầu tư nhiều thời gian vào việc học, vì trong suy nghĩ của nhiều người dân tộc Ơ Đu dù có học lực như thế nào cũng sẽ được tuyển thẳng vào THPT. Nên hành trang vào lớp 10 của Hải Âu “mỏng manh” hơn so với bạn cùng tuổi.
Đợi tình hình dịch Covid-19 ổn định, học sinh quay trở lại trường, tôi mới có cơ hội trò chuyện cùng Hải Âu nhiều hơn và giúp em định hình rõ ước mơ của bản thân. Tuy nhiên, lời khuyên của tôi cũng chỉ là một phần, quan trọng vẫn là nghị lực vươn lên ở bản thân em ấy”, cô Đinh Thị Mừng - giáo viên Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An (Nghệ An), chủ nhiệm em Lo Hải Âu kể lại.
Ngoài sự giúp đỡ từ cô giáo chủ nhiệm, Hải Âu cùng nhiều bạn học khác còn được Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm và hỗ trợ từ bữa ăn, giấc ngủ đến hoạt động học tập hàng ngày. Thầy cô trong trường luôn xem các em như con trong nhà, cố gắng tạo ra môi trường học tập và sinh hoạt tốt nhất.
Từ sự quan tâm đặc biệt đó, nam sinh quê Nghệ An dần ý thức tầm quan trọng của việc học và niềm đam mê môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí khơi dậy từ đây. Có những đêm đồng hồ điểm 1 – 2 giờ sáng, nhưng căn phòng nhỏ của Hải Âu vẫn sáng đèn.
Nam sinh cho biết: “Từ ra Tết, em thường xuyên học đến khuya, hôm ngủ sớm nhất là 12 giờ”. Dù thức khuya như vậy nhưng sáng hôm sau, Hải Âu luôn dậy sớm nhất phòng.
“Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đầu em luôn “căng như dây đàn” và có chút áp lực. Không muốn bỏ sót bất kỳ lượng kiến thức nào, ngoài học trên lớp em và các bạn còn được thầy cô ôn tập thêm vào mỗi buổi tối. Nhìn thầy cô luôn cố gắng để mình đạt cao, em đã ý thức bản thân phải cần nỗ lực hơn và mang điểm cao về tặng thầy cô”, Hải Âu chia sẻ.
Được biết khi làm bài thi, Hải Âu sẽ dành 5 phút đầu tiên để bao quát kiến thức có trong đề, chọn câu hỏi dễ làm trước và câu khó làm sau. Khi đồng hồ báo thời gian còn lại 5 phút, em dừng bút rà soát lại đáp án, riêng môn Ngữ văn em dành nhiều thời gian hơn.
Ngoài thành tích học tập tốt, Hải Âu còn thường xuyên tích cực tham gia hoạt động ngoại khoá ở trường. Em từng đại diện trường tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh, có cơ hội cọ xát thêm trong lĩnh vực thể thao.
Cả làng chỉ có 3 - 4 người học đại học
Ngoài tìm hiểu về hành trình theo đuổi cánh cổng đại học của Hải Âu, chúng tôi còn biết em là người dân tộc Ơ Đu, dân tộc có số dân chưa đến 500 người trên cả nước. Hầu hết người Ơ Ðu dùng tiếng Khơ Mú, Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày.
Dân cư ở ngôi làng em sinh sống không quá đông, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông mọi người đều lên đường đến thành phố lớn hoặc sang nước ngoài tìm kiếm việc làm. Nếu tính thêm Hải Âu, cả làng chỉ có 3 - 4 người học đại học bởi không phải ai cũng đủ điểm xét tuyển.
“Người trẻ chúng em đều có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, nhưng không phải ai cũng đủ điểm và năng lực xét tuyển đại học. Với thành tích hiện tại, không chỉ gia đình mà dân làng đều vui và phấn khởi, vì lâu lắm mới có người đạt điểm cao để đăng ký xét tuyển đại học”, Hải Âu chia sẻ.
Quyết định theo con chữ để phát triển tương lại, nam sinh muốn chứng minh cho mọi người thấy chỉ cần bản thân nỗ lực hết sức, “trời xanh sẽ tự khắc an bài”.
Với số điểm hiện có, Hải Âu dự định đăng ký xét tuyển vào Học viện Biên Phòng. "Tuy nhiên, khối C năm nay có phổ điểm tăng mạnh khiến em hơi lo lắng", Hải Âu tâm sự
Kết thúc ba năm học THPT, Hải Âu đã trở về đoàn tụ cùng gia đình, hằng ngày em cùng bố mẹ làm nương rẫy, chăm sóc nương vườn, tối về cả gia đình lại quây quần trong căn nhà nhỏ. Chàng trai trẻ cho biết, bản thân rất trân quý khoảnh khắc này, vì suốt 3 năm qua thời gian em ở cùng bố mẹ rất ít.