Ước mơ ngoài tầm với của những mảnh đời ở 'xóm chạy thận'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tết là dịp để những thành viên trong gia đình quây quần, đoàn tụ, kể cho nhau nghe những vui buồn của một năm.

Căn phòng rộng chưa đến 6m2 nơi Nguyễn Thị Trang đang sinh sống.
Căn phòng rộng chưa đến 6m2 nơi Nguyễn Thị Trang đang sinh sống.

Thế nhưng với những mảnh đời ở “xóm chạy thận”, giấc mơ về một cái Tết đoàn viên vẫn là một điều xa vời, không có thật.

Ngồi buồn bấm ngón tay…

“Xóm chạy thận” nằm đìu hiu, khuất sau sự hào nhoáng, vội vã của Thủ đô đông đúc, của những ngôi nhà cao tầng, sang trọng. Sở dĩ, một ngõ phố nhỏ ở Hà Nội (ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị) có tên đặc biệt như thế vì chẳng biết từ bao giờ, các bệnh nhân cùng mắc bệnh suy thận đã rủ nhau chung sống quây quần, đùm bọc nhau như một đại gia đình.

Có những người đã tá túc ở “xóm chạy thận” cả chục năm trời, bệnh tật đã lấy đi tuổi xuân và khiến những ước mơ, hoài bão của họ trở nên dang dở. Từ mọi miền quê, họ đến ở rồi “ra đi” như một vòng quay khắc nghiệt của cuộc sống.

Ở “xóm chạy thận”, nhiều người vẫn thường bảo nhau rằng mỗi ngày mở mắt ra thấy mình còn sống là may mắn. Bởi ai vào đây cũng như “ngọn đèn trước gió”, chẳng biết vụt tắt lúc nào.

Có khi tối còn đang ngồi, nói chuyện với nhau về một tương lai tốt đẹp hơn nhưng sáng ra đã không còn nhìn thấy nhau nữa là chuyện bình thường. Rất nhiều người mang trong mình căn bệnh suy thận tự ví bản thân như dây tầm gửi, bám riết vào máy móc, bác sĩ, gia đình, xã hội...

Một buổi trưa cuối tháng 12, từng đợt gió lạnh như những lưỡi dao cứa vào da thịt. Bên trong căn phòng trọ chật hẹp, một nhóm những người cùng khổ mang trong mình căn bệnh suy thận đang quây nhau thành vòng tròn nhỏ bên chiếc đèn sưởi như để cố chống chọi với cái thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.

Với những âm thanh thì thầm như để tránh làm ảnh hưởng đến những người khác đang nghỉ ngơi, họ bấm từng đốt ngón tay, nhẩm tính cho nhau nhưng lần chạy thận tiếp theo để xem Tết này có được về quê đón thời khắc giao thừa.

Câu chuyện như trùng xuống khi người ở gần thì lịch chạy thận rơi vào ngày Mùng 1 Tết, còn người ở xa thì lịch chạy vào ngày nào cũng không còn quan trọng vì có ra sao thì họ cũng sẽ không thể về quê được.

Trong “xóm chạy thận” này, người quê xa nhất là ở Thanh Hóa còn người gần nhất ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Thời gian điều trị của mỗi người khác nhau, ít thì 3 - 4 năm trong khi người điều trị nhiều nhất thời gian cũng xấp xỉ 20 năm. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung là đều đặn 1 tuần 3 lần họ phải đến bệnh viện, nhờ vào sự trợ giúp của máy móc để duy trì cuộc sống.

Tiền thuốc là một trong những khoản chi lớn của những bệnh nhân mắc bệnh suy thận.

Tiền thuốc là một trong những khoản chi lớn của những bệnh nhân mắc bệnh suy thận.

Những người sinh sống ở 'xóm chạy thận' đều có hoàn cảnh rất khó khăn.
Những người sinh sống ở 'xóm chạy thận' đều có hoàn cảnh rất khó khăn.

Dựa vào nhau để vượt qua khó khăn

Ở “xóm chạy thận”, ai cũng có hoàn cảnh éo le nhưng đặc biệt nhất là trường hợp của ông Dương Đình Nguyên (quê quán tại tỉnh Phú Thọ) và bà Lê Thị Ninh (quê quán tại huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ông Nguyên và bà Ninh chẳng phải họ hàng cũng không phải vợ chồng nhưng họ vẫn sinh sống trong cùng một căn phòng trọ.

Số phận đưa đẩy khiến 2 người cùng mang trong mình căn bệnh suy thận gặp nhau rồi cùng dựa vào nhau để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Với những người mới đến “xóm chạy thận”, khi biết về việc này chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên nhưng ẩn sâu bên trong đó là một lý do khiến bất cứ ai cũng phải ái ngại, cảm thông.

Ông Nguyên có vợ và 2 người con. Ngoài căn bệnh suy thận, chân tay ông Nguyên bị co quắp khiến việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn. Ông thuê trọ, sống tại “xóm chạy thận” để tiện cho việc điều trị, vợ ông hiện đang làm thuê trên phố Lò Đúc (Hà Nội). Bà vất vả làm thuê tích cóp để gửi cho ông thuốc thang, sinh sống.

Bà Lê Thị Ninh cũng đã có một người con trai. Năm 2002, bà Ninh được chẩn đoán mắc căn bệnh quái ác này. Thời điểm đó, kinh tế gia đình không có, thuốc thang không đầy đủ nên đến năm 2006, bệnh tình của bà Ninh trở nặng và phải ở gần bệnh viện để tiện cho việc điều trị. Hàng ngày, để có tiền trang trải, bà Ninh vẫn phải mua nước lọc đóng chai rồi di chuyển vào bên trong viện để bán.

Hai hoàn cảnh khó khăn ấy gặp nhau tại xóm của những người cùng khổ. Do chi phí sinh hoạt điều trị đắt đỏ cộng thêm với việc sức khỏe của những người mắc bệnh suy thận diễn biến thất thường nên ông bà đã quyết định dọn sống chung với nhau trong một gian phòng trọ.

“Như thế sẽ bớt đi được chi phí thuê phòng của mỗi người. Hơn nữa, sức khỏe ông Nguyên không đảm bảo, nếu như sống một mình nhỡ lúc đêm hôm có chuyện gì ai giúp đỡ được.

Trong khi đó, bà Ninh sức khỏe cũng có lúc này lúc kia. Ai khỏe thì giúp đỡ người còn lại. Sức khỏe của người mắc bệnh suy thận như “ngọn đèn trước gió” ấy, chả biết sống chết lúc nào”, kể về hoàn cảnh của hai bệnh nhân sống chung một gian nhà, một người sinh sống tại “xóm chạy thận” chia sẻ.

20 năm sinh sống tại “xóm chạy thận”, có đến quá nửa thời gian ông Nguyên không thể về quê ăn Tết cùng gia đình. May mắn hơn, do thời gian điều trị và quê ở gần nên cứ cách 1 năm bà Ninh lại được về nhà đoàn tụ cùng gia đình đón Tết còn năm sau sẽ phải ở lại đón Tết cùng với ông Nguyên.

Hoàn cảnh khiến bà Ninh và ông Nguyên phải trọ cùng nhau để giúp đỡ nhau những lúc khốn khó.

Hoàn cảnh khiến bà Ninh và ông Nguyên phải trọ cùng nhau để giúp đỡ nhau những lúc khốn khó.

Mơ ước xa vời

Bên trong căn phòng rộng chưa đến 6m2, chị Nguyễn Thị Trang (SN 1991) nằm thu mình trên chiếc phản dựng tạm thành chỗ ngả lưng. Chiếc chăn bông cũ được chị che lại gần hết khuôn mặt. Cứ mỗi đợt rét về, sức khỏe của Trang lại yếu đi thấy rõ. Cô gái quê Nam Định đã sinh sống và chạy thận tại đây hơn 3 năm.

Bố mất sớm, mẹ phải gồng gánh làm đủ thứ nghề để nuôi 2 người em và gửi lên để chị sinh hoạt và chữa bệnh. Bởi bận rộn là thế nên từ rất lâu rồi, chị Trang không có người thân lên thăm. Cơ thể yếu nên vào những ngày như này, phần lớn sinh hoạt chị Trang đều phải nhờ đến sự trợ giúp của những người sinh sống cùng dãy trọ.

Vất vả hơn mọi người khi ngoài việc phải chạy thận đều đặn 1 tuần 3 lần, hàng tháng, chị Trang còn phải vào viện để truyền máu do bản thân cô mắc thêm căn bệnh tan máu tự miễn bẩm sinh. Sinh ra đã mang trong mình căn bệnh quái ác nên từ nhỏ, sức khỏe chị Trang yếu hơn các bạn đồng trang lứa.

Tâm sự, chị Trang bảo, trừ những khi phải vào viện chạy thận thì hầu như chị không ra ngoài xóm trọ suốt 3 năm qua. Đương nhiên, chị không được tận hưởng không khí gia đình đoàn tụ mỗi dịp xuân về, Tết đến.

Tết năm nay, chị Trang cũng không thể về dù rất muốn. “Bọn em mắc bệnh suy thận nên sức khỏe rất yếu mà xe cộ ngày Tết đông đúc, lên đến xe có khi không thể thở nổi mà thuê xe riêng thì kinh tế gia đình em không có. Trong khi đó, về được 1 ngày sau đó lại tất tả chuẩn bị đồ đạc lên Hà Nội để kịp lịch điều trị. Thế nên năm nay em cũng không thể về”, chị Trang tâm sự.

“Mà có khi … chẳng bao giờ em đón giao thừa ở quê cùng gia đình được nữa”, ngập ngừng giây lát, chị Trang xúc động sẻ chia.

“Năm đầu tiên không được đón Tết cùng gia đình, em buồn lắm nhưng năm nữa, rồi năm nữa qua đi, cho đến năm nay thì cảm xúc ấy đã vơi đi nhiều do quanh em vẫn còn những hoàn cảnh giống mình. Năm mới, ở đây bọn em cũng trang hoàng nhà cửa, rồi thì xã hội quan tâm, động viên nên bản thân cũng cảm thấy bớt trống trải đi phần nào”, chị Trang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.