Ước mơ đến trường chưa trọn vẹn

GD&TĐ - Ratanakiri là một tỉnh giáp biên giới Vương quốc Campuchia với Việt Nam và Lào, dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển. 

Ước mơ đến trường chưa trọn vẹn

Tại đây, có 673 hộ dân người Campuchia gốc Việt với 1.117 nhân khẩu. Cuộc sống của bà con hết sức khó khăn nên việc học hành của con em người Việt tại đây cũng gian nan vất vả. Bài viết sau đây là những ghi chép trong chuyến công tác gần đây về chuyện học hành của những đứa trẻ gốc Việt ở Ratanakiri.

Những đứa trẻ không có tuổi thơ

Do đời sống kinh tế của bà con người Việt khó khăn, bận đi xa làm ăn nên hầu hết những đứa trẻ gốc Việt ở với ông bà. Đối với rất nhiều cháu công việc chính hàng ngày là lượm ve chai, nhôm nhựa bán kiếm tiền giúp cha mẹ nên việc đi học chỉ là phụ.

Thăm lớp học tiếng Việt ở Ratanakiri do Hội người Campuchia gốc Việt (từ đây gọi tắt là Hội) tổ chức, tôi được biết nhiều hơn về những đứa trẻ gốc Việt tại đây. Lớp học gồm 43 cháu, tuổi từ 5 - 14 từ lớp 1 - 4 theo hình thức lớp ghép do một thầy giáo đảm nhận, trong đó nhiều cháu 10 - 12 tuổi mới học lớp 1.

Rất nhiều cháu không nhớ tên khai sinh và tên tiếng Việt của mình, tên cha mẹ càng không nhớ. Tôi cố bắt chuyện và hỏi tên tuổi cháu Nguyễn Thị Hiền (khoảng 8 tuổi) nhưng cháu không biết mình bao nhiêu tuổi. Sau một hồi lâu làm quen và dỗ dành, cháu mới cho biết cháu ở với ông bà ngoại, còn cha mẹ làm nghề đánh bắt cá ở các sông gần Phnôm Pênh cả năm mới về một lần; Cháu cũng không biết tên cha mẹ là gì. Một cháu khác tên là Duyên (cháu không nhớ họ của mình) vừa trông em vừa trông trẻ thuê. Cha của Duyên làm thuê ở tỉnh khác, mẹ của cháu giặt đồ thuê.

Trong buổi tặng quà ngày 14/8/2016, cháu Duyên cũng tham dự nhưng không được ngồi vì bận ẵm dỗ em nhỏ đang quấy khóc. Nhìn cháu loay hoay vừa dỗ em vừa trông các bạn cùng lớp tham gia trò chơi, nhận quà, tôi thấy sống mũi của mình cay cay. Tôi cố tìm nét trẻ thơ trên khuôn mặt của cháu nhưng không thấy, mặc dù cháu chỉ 11 tuổi. Tôi chỉ thấy khuôn mặt cháu đầy khắc khổ, lo toan.

Không chỉ cháu Duyên mà nhiều cháu khác cũng vậy. Công việc hàng ngày của các cháu là làm thuê giúp cha mẹ hay đi lượm chai lon bán kiếm chút tiền. Lớn hơn một tí, khoảng 13, 14 tuổi, các cháu bắt đầu vào cuộc mưu sinh vất vả, vì không được học hành, không nghề nghiệp. Tôi cảm giác những đứa trẻ gốc Việt ở Ratanakiri không có tuổi thơ như những đứa trẻ khác.

Ước mơ mỗi ngày được đến trường học chữ Việt

Đối với những đứa trẻ gốc Việt ở Ratanakiri, mỗi ngày được đến trường học tiếng Việt là khát khao, là ước mơ cháy bỏng; bởi ở đây việc học tiếng Việt trở nên quá khó khăn. Do không có môi trường tiếng Việt nên các cháu không có điều kiện nói và học tiếng Việt. Ngay cả việc nói tiếng Việt trong các gia đình người Việt cũng hết sức khó khăn. Mặc dù, cha mẹ có ý thức dạy tiếng Việt cho con để không quên cội nguồn nhưng nhiều gia đình không thành công. Bởi vì số người gốc Việt ở Ratanakiri không nhiều, chỉ chiếm 1/15 dân số, hàng ngày các cháu chỉ giao tiếp bằng tiếng Khmer. Quá lo lắng vì điều này, một số gia đình có điều kiện đưa con về Việt Nam để được nói và học tiếng Việt.

Ý thức được tầm quan trọng của việc nói và học tiếng Việt nên ngay từ khi mới thành lập, Hội đã không quản ngại khó khăn xin giấy phép mở lớp. Năm 2012, lớp tiếng Việt cho con em người Việt tại thị trấn Ban Lung được khai giảng. Giáo viên đứng lớp là một thầy giáo hợp đồng từ Thanh Hóa sang. Trong hai năm 2012, 2013, Hội thu phí từ phụ huynh để trả lương cho giáo viên. Thời gian đầu có 100 cháu đến lớp nhưng sau đó vài tháng chỉ còn mấy chục cháu, vì phụ huynh không có tiền đóng học phí, mặc dù học phí rất ít, mỗi tháng chỉ tương đương 150.000 đồng Việt

Nam. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng không quan tâm đến cho con cái đi học. Họ chỉ mong sao các cháu đủ lớn đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Các anh chị trong Hội cho biết, thuyết phục các cháu đến lớp đã khó mà thuyết phục cha mẹ cho các cháu đi học lại càng khó hơn.

Vấn đề kinh phí để duy trì lớp học tiếng Việt này trở thành vấn đề nan giải cho Hội, những người chịu trách nhiệm mở lớp. Năm 2014, Tổng hội người Campuchia gốc Việt hỗ trợ 100 USD/tháng để trả lương cho giáo viên đứng lớp nhưng chỉ được một năm rồi cắt vì hết nguồn kinh phí. Năm 2015, Hội lại tự xoay xở kinh phí để trả lương cho giáo viên. Từ tháng 1/2016, tỉnh Kon Tum cử một giáo viên sang giảng dạy lớp học này trong thời gian 5 năm. Tuy nhiên lương của giáo viên do tỉnh Kon Tum cấp còn thấp (5 triệu/tháng) không đủ cho giáo viên sinh hoạt trong điều kiện giá cả đắt đỏ tại đây nên Hội phải hỗ trợ số tiền visa (hơn 400 USD/năm), chỗ ở, xe máy cho giáo viên.

Ước mơ đến trường của những đứa trẻ người Việt tại Ratanakiri vẫn chỉ là ước mơ chưa trọn vẹn. Chỉ có một số cháu ở thị trấn Ban Lung được học còn rất nhiều cháu ở các huyện khác thuộc tỉnh Ratanakiri chưa được học, do không đủ điều kiện mở lớp tại các huyện. Ngay cả địa điểm lớp học của các cháu tại thị trấn Ban Lung cũng phải chuyển dời hết chỗ này đến chỗ khác vì Hội không có kinh phí mua mặt bằng. Hàng tháng, Hội phải chạy đôn đáo tìm kinh phí trả tiền thuê mặt bằng.

Trong buổi tặng quà của Đoàn Thanh niên các cơ quan tỉnh Gia Lai ngày 14/8/2016, nhìn các cháu cười nói vui tươi khi lần đầu tiên nhận được quà là chiếc cặp xinh xinh, mấy quyển vở mới, được hát những bài hát tiếng Việt, chơi những trò chơi Việt, tôi không khỏi xúc động. Chia tay các cháu, tôi thầm ước, một ngày không xa các cháu không phải đi làm thuê, không phải nhặt phế liệu, không phải ẵm em thuê mà được cắp sách đến trường như bao trẻ Việt Nam khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.