Ước mơ bên đường ray xe lửa

Cơn đau tim đột ngột diễn ra trong một lần cố sức lao động để kiếm tiền nuôi con ăn học đã mang cha em về với đất. Từ đó gia đình em lâm vào cảnh khốn khó tột cùng.

Ước mơ bên đường ray xe lửa

Chính quyền địa phương đã hỗ trợ tiền xây cho gia đình em căn nhà nhỏ bên cạnh đường sắt. Để có tiền lo cho con bữa cơm qua ngày, mẹ em phải vất vả ngược xuôi hết gặt lúa thuê, chạy gạch, bơm thuốc ruộng... ai kêu gì làm nấy, nhưng một mình bà kiếm tiền không đủ nuôi con.

Do lao động quá sức nên sức khỏe bà ngày càng yếu, các lò gạch thủ công cũng không còn, vườn không có, cả nhà chỉ biết trông vào 1,5 sào ruộng, con heo nái và mót củi trên núi Vom bán lấy tiền trang trải hằng ngày.

Tôi đến nhà em vào một ngày nghỉ, em không có nhà. Ngồi nói chuyện với mẹ em, trong câu chuyện bà tâm sự: “Hồi đó khi lấy ba mấy đứa, anh là người gầy gò, bị bệnh tim bẩm sinh, gia đình tôi có can ngăn nhưng tôi không lấy anh thì lấy ai, vì tôi đã lớn tuổi và cũng đã có một đời chồng rồi, hai vợ chồng cố công làm kiếm tiền nuôi con.

Trong một ngày mùa hè nắng gắt, vì cố sức nên bệnh đau tim của ông lại tái phát và ông chết trên cánh đồng. Gia đình lâm vào cảnh khốn khó, đói nghèo, nhiều lúc nghĩ quẩn tôi muốn tìm đến cái chết cho xong, nhưng rồi nghĩ đến mấy đứa con mất cha, nay mất mẹ bơ vơ nên tôi cố gắng chịu đựng, kiếm tiền nuôi con ăn học”.

Câu chuyện chưa dứt thì từ xa tôi nhìn thấy em trên chiếc xe đạp cũ với bó củi phía sau, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt.

Mẹ em nói tiếp: “Mọi khi những ngày nó không đi học, tôi với nó hay lên núi kiếm củi, nhưng hôm nay trở trời nó nói tay mẹ đau nhức, để con lên núi kiếm củi một mình, mỗi lần như thế cũng kiếm được từ 15.000 - 20.000 đồng đủ để đi chợ vài ngày”.

Bữa ăn của gia đình em chỉ có một chén mắm cái và nồi canh cải nấu với dầu, không biết ăn như thế em có đủ sức khỏe để tiếp tục con đường dài phía trước hay không?

Cho dù hoàn cảnh là thế nhưng em luôn cố gắng vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập, kết quả em đạt đáng tự hào: chín năm liền là học sinh giỏi toàn diện, đoạt giải nhất, nhì trong kỳ thi học sinh giỏi hóa lớp 8, 9 cấp huyện, đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn hóa, năm học vừa qua em đạt 8,3 tổng trung bình các môn.

Nhiều lần em nói với tôi là em sẽ nghỉ học vì gia đình quá khó khăn, mẹ em không lo nổi cho em và đứa em trai của em đang học lớp 6. Sợ em bỏ học nên tôi trích mỗi tháng 150.000 đồng từ đồng lương ít ỏi của giáo viên để động viên em tiếp tục đến lớp.

Ngày ngày em nhìn những chuyến tàu Bắc Nam đưa những ước mơ vào Nam ra Bắc, em cũng ước mơ được đi trên những chuyến tàu đó, để hiện thực hóa ước mơ thay đổi cuộc sống của mình, nhưng hoàn cảnh gia đình em hiện tại quá khó khăn để ước mơ đó có thể thành hiện thực.

Em là Nguyễn Thị Kiều Oanh, học sinh lớp 11B1 Trường THPT số 2 Mộ Đức, Quảng Ngãi.

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.