Trong tình hình này Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đưa ra hướng dẫn giúp bảo vệ trẻ em an toàn trong mùa dịch.
“Đại dịch virus corona đã dẫn tới thời gian nhìn màn hình tăng lên chưa có tiền lệ” – Giám đốc điều hành của Đối tác toàn cầu để chấm dứt bạo lực, tiến sĩ Howard Taylor cho biết – “Việc đóng cửa trường học và các biện pháp giới hạn ngăn dịch nghiêm khắc khiến ngày càng có nhiều gia đình phụ thuộc vào các giải pháp công nghệ và kỹ thuật số để trẻ em học tập, giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, không phải mọi trẻ em đều có kiến thức, kỹ năng và tài nguyên cần thiết để giúp chúng an toàn trên mạng”.
Hơn 1,5 tỉ trẻ em và người trẻ tuổi đã bị ảnh hưởng từ việc trường học đóng cửa trên toàn thế giới. Nhiều HS trong số này đang học tập và giao tiếp trực tuyến. Dành thêm thời gian với các nền tảng ảo có thể khiến trẻ em dễ bị bóc lột về tình dục trực tuyến khi những kẻ xấu tìm cách lợi dụng đại dịch Covid-19. Việc thiếu tiếp xúc trực tiếp với bạn bè có thể khiến các em dễ gặp những hình ảnh không phù hợp, trong khi đó dành thời gian không hợp lý trên mạng có thể khiến các em dễ tiếp xúc với nội dung liên quan tới bạo lực cũng như nguy cơ bị bắt nạt trên mạng.
UNICEF cùng với các đối tác của mình như Đối tác toàn cầu nhằm chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Tổ chức GD, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Trẻ em thế giới Mỹ (Childhood USD)... đã phát hành một lưu ý kỹ thuật mới nhằm thúc giục các chính phủ, ngành công nghệ thông tin, các nhà GD, phụ huynh cảnh giác, thực hiện các biện pháp khẩn cấp và đảm bảo sự an toàn, tích cực cho những trải nghiệm trực tuyến của trẻ em trong đại dịch Covid-19.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19, cuộc sống của hàng triệu trẻ em tạm thời bị thu hẹp trong nhà và màn hình. Chúng ta phải giúp các em điều hướng trong thực tế này” – Giám đốc điều hành Henrietta của UNICEF cho biết – “Chúng tôi kêu gọi các chính phủ, ngành công nghiệp hợp tác đảm bảo trẻ em và những người trẻ tuổi được an toàn trên mạng thông qua các tính năng nâng cao an toàn và các công cụ mới, nhằm giúp phụ huynh, GV dạy các em biết cách sử dụng internet an toàn”.
Những hành động được đề xuất sơ bộ nhằm giảm thiểu rủi ro trực tuyến cho trẻ em trong mùa Covid-19 bao gồm:
Các chính phủ: Tăng cường các dịch vụ chủ chốt bảo vệ trẻ em để đảm bảo chúng mở cửa và hoạt động tích cực trong đại dịch; tập huấn cho cán bộ y tế, GD và xã hội về các tác động mà Covid-19 có thể gây ra lên hạnh phúc của trẻ, bao gồm sự gia tăng các mối nguy trực tuyến, tăng cường nâng cao nhận thức và sáng kiến GD về an toàn trực tuyến cho trẻ, đảm bảo những nhà cung cấp dịch vụ xã hội, trường học, phụ huynh và trẻ em đều biết cơ chế báo cáo địa phương, các số điện thoại hỗ trợ và các đường dây nóng.
Ngành công nghệ thông tin bao gồm các nền tảng mạng xã hội: Đảm bảo các nền tảng trực tuyến tăng cường các biện pháp an toàn, bảo vệ, đặc biệt là các công cụ học tập ảo và đảm bảo chúng có thể được tiếp cận một cách rõ ràng đối với các nhà GD, phụ huynh và trẻ em; thúc đẩy và tạo điều kiện cho các dịch vụ và đường dây trợ giúp về an toàn của trẻ, phát triển các chính sách kiểm duyệt tiêu chuẩn phù hợp với quyền trẻ em, sử dụng các biện pháp bảo vệ tích hợp đồng thời có đổi mới phù hợp, cung cấp kết nối internet để cải thiện sự tiếp cận cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở gia đình thu nhập thấp.
Trường học: Cập nhật các biện pháp bảo vệ an toàn hiện tại để phản ánh thực tế mới cho việc trẻ học ở nhà, thúc đẩy và giám sát các hành vi trực tuyến tốt và đảm bảo trẻ em được tiếp cận liên tục với các dịch vụ tư vấn của trường.
Phụ huynh: Đảm bảo các thiết bị của trẻ có các phần mềm được cập nhật, các chương trình chống virus, nói chuyện cởi mở với các em về cách thức và những người các em giao tiếp trực tuyến, cùng trẻ em thiết lập quy tắc về cách thức, thời gian, địa điểm có thể sử dụng internet, cảnh giác với các dấu hiệu căng thẳng ở trẻ liên quan tới hoạt động trực tuyến, làm quen với các chính sách của trường và cơ chế báo cáo của địa phương, tiếp cận với các số điện thoại hỗ trợ và đường dây nóng.
Đối với các trường học hoạt động trong mùa dịch, WHO hướng dẫn các trường đảm bảo dọn dẹp, khử trùng tòa nhà, những công trình liên quan đến nguồn nước, nhà vệ sinh, các bề mặt thường tiếp xúc. Đồng thời tuyên truyền cho HS nâng cao nhận thức về cách tự bảo vệ mình như thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách an toàn, tránh sờ tay lên mắt, mũi, miệng v.v...