Chị Hạnh Dung thân mến!
Chần chừ đã lâu, nay mọi thứ trong lòng chùng xuống, tôi quyết định viết thư, xin chị một lời khuyên cho câu chuyện của tôi. Trên trang báo này, rất nhiều câu chuyện về mẹ chồng, nàng dâu, chị em dâu và có hẳn chuyên mục về nó nữa. Nhưng tìm mãi chẳng có trường hợp nào tương tự như mình cả.
Nhà chồng tôi có 3 anh em trai, vì vậy có 3 chị em dâu. Công bằng mà nói tôi sống biết điều hơn cả vì vậy mẹ chồng tin tưởng gửi cầm hộ các giấy tờ quan trọng, mà sau này tôi mới biết có quyển sổ đỏ lô đất của gia đình.
Cô em dâu sang mượn có nói là đã nói với ông bà, tôi thì rất ngại bởi vì nó không phải của mình, mình không có quyền cho mượn. Tôi gọi điện cho mẹ chồng và chồng về chuyện đó, mẹ chồng gắt lên và nói cho mượn. Chồng (đang công tác xa) cũng gắt lên vì tự ý di chuyển, rồi sau đó gọi cho ông em trai.
Hôm sau cô em dâu sang nhà và chửi tôi vì cô ấy coi mượn sổ đỏ là việc nhỏ và dám gọi cho chồng và mẹ chồng. Mẹ chồng tôi cũng sang và quay ngoắt lại nói tôi về chuyện đó.
Lúc này tôi mới vỡ ra nhiều chuyện: 1. Mẹ chồng suốt đời là mẹ của chồng, chỉ vì muốn dĩ hòa vi quý và sợ cô con dâu út nên đổi trắng thay đen với tôi. Tôi tạo khoảng cách sau khi nhận ra việc đó, do vậy giờ coi tôi chẳng ra gì. Có lẽ tôi đã sai ngay từ đầu. Với mẹ của chồng đáng lẽ phải có khoảng cách ngay từ đầu, không nên nhận hoặc cầm hộ bất kì một thứ gì cả chắc sẽ tử tế hơn.
2. Với cô em dâu, sau chuyện đó tôi cạch mặt, tuyệt giao. Tôi nghĩ, chị em bạn dâu không thích thì thôi, lại còn giở trò đáo để, ghê ghớm bắt nạt, muốn làm bà tướng trong nhà.
(Lan)
Chào bạn,
Mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu, rồi chị em dâu… xưa nay vốn bao giờ cũng phức tạp, cũng… mong manh, vun đắp cố gắng nhiều mà rồi đổ vỡ thì nhanh chóng và khó xây dựng lại. Bạn cần phải nhìn nhận sự thật đó, chấp nhận đó và coi nó là … chuyện bình thường để không ảnh hưởng nhiều tới cảm xúc của mình và nhất là không quá cực đoan trong chuyện yêu ghét.
Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người lại mỗi tính cách trong những hoàn cảnh khác nhau, Hạnh Dung khó có lời khuyên cho bạn chính xác trong những trường hợp cụ thể này, vì như Hạnh Dung nói, chuyện cư xử của các mối quan hệ này thường có nhiều ngõ ngách“tinh vi”, có khi chỉ một cái cau mày, một động tác đặt đồ nặng tay hơn chút cũng thành chuyện.
Huống hồ là nguyên một cái sổ đỏ, nguyên một tam giác quan hệ, chuyện liên quan không chỉ là thái độ cư xử mà còn là thể hiện lòng tin.
Tuy vậy, riêng với mẹ chồng, Hạnh Dung nghĩ là bạn hãy cố gắng bỏ qua những cảm xúc nhất thời của mình. Chắc chắn là bà đã dành nhiều tình cảm cho bạn hơn cả, và những gì xảy ra cũng là do tính cả nể, e ngại mất lòng của bà.
Bà chắc cũng là người nhiều tình cảm, không phải thuộc kiểu mẹ chồng hung dữ, cả vú lấp miệng em, không coi trong suy nghĩ hay tình cảm của người khác. Em đã biết bà làm thế vì sợ con dâu út, dĩ hòa vi quý thì em cũng nên bỏ qua cho bà. Thế cũng là nhẹ lòng mình.
Với những gì đã xảy ra, Hạnh Dung có một lời khuyên với bạn: Hãy đối xử bằng tấm lòng của mình và cũng đừng đòi hỏi những đáp trả tương xứng. Bởi không phải con người ai cũng giống ai. Khi bạn đối đãi bằng cái tình và làm mọi việc theo đúng cái lý, bạn sẽ tự bình yên với mình, không dắn vặt, không trách móc, không ân hận gì. Thế là thanh thản, nhẹ lòng.
Cũng hãy hiểu cho lòng người, ai cũng có điểm mạnh điểm yếu, mà bao dung, vị tha. Dù không hẳn là “giọt máu đào” với bạn, những cũng chẳng phải chỉ là “ao nước lã” nên bạn hãy cười xòa một tiếng rồi cho qua. Được như thế bạn sẽ thấy bình yên hơn.