Ravichandran – chuyên gia tư vấn tâm lý nổi tiếng trên trang linkedin.com, cho rằng: “Làm việc trong một ngành bị ám ảnh bởi việc mọi người cố gắng tỏ ra thông minh, tôi nhận ra giả ngốc là một tài sản lớn".
Ravichandran chia sẻ thêm: “Đã bao nhiêu lần chúng ta ngồi trong một cuộc họp, viết nguệch ngoạc với vẻ cáu kỉnh hoặc thờ ơ, tự nhủ rằng những người trong phòng không xứng đáng với sự có mặt của chúng ta?
Tôi nghĩ rằng thái độ này chỉ làm tăng thêm sự khó chịu vô hình đang nhấn chìm không gian cuộc họp. Tỏ ra thông minh có thể giúp bạn bắt đầu cuộc trò chuyện, nhưng giả ngốc giúp bạn duy trì cuộc trò chuyện. Đây là điều tôi đã học được và trải nghiệm.”
Giả ngốc không có nghĩa là từ bỏ sự thông minh của bạn, mà là khiêm tốn đặt nó sang một bên và tận hưởng một cuộc trò chuyện cởi mở hơn. Chúng ta không ngừng cố gắng thể hiện trí thông minh của mình – đây là bản chất tự nhiên có trong mỗi người.
Sự thông minh khiến mọi người ngưỡng mộ bạn, nhưng trong cuộc trò chuyện sẽ luôn có một mức độ phân cấp nhất định, một chút dè dặt, một chút nghi ngờ bản thân để thực sự cởi mở và bộc lộ tính cách tự nhiên của mình. Sự thông minh đặt một người lên một bệ đỡ gần như buộc mọi người phải chú ý và bày tỏ sự tôn trọng - và thường là không tự nguyện.
Ngược lại, sự giả ngốc sẽ phá vỡ khoảng trống vô hình, khiến bạn trở nên đáng yêu hơn, khiến bạn gần gũi hơn với những người bạn đang nói chuyện. Nó là chất xúc tác tuyệt vời cho các cuộc trò chuyện và là điều cần thiết trong việc khơi dậy sự tò mò ở mọi người.
Đối với những người thích xem thể loại phim hài độc thoại, không có ví dụ nào tốt hơn khi nhắc đến sự khác biệt giữa Ricky Gervais và Norm MacDonald. Cả hai đều là những bộ óc thông minh. Cả hai đều không quan tâm đến những gì người khác thực sự nghĩ. Cả hai đều nói lên con người thật của mình. Cả hai đều tìm thấy sự hài hước trong những điều mà hầu hết mọi người đều tránh xa.
Nhưng vấn đề là thế này: Ricky đóng vai nhân vật anh chàng thông thái trong mọi công việc thường ngày của mình. Anh ta toát ra một sự thông minh nhất định mà dường như người khác không thể đạt được.
Ricky tình cờ trêu chọc bệnh tự kỷ và béo phì. Anh ta làm điều này mà hoàn toàn không quan tâm đến những gì người khác nghĩ. Tính cách của Ricky trong tất cả các quan điểm của anh ta đều xuất phát từ một người đọc nhiều và thông thái.
Những lập luận của anh ta là hợp lý và câu kết luôn là một cú đánh mạnh vào những người mà anh ta muốn xúc phạm. Anh ta biết rằng sự thông minh của mình có thể đánh bại bất kỳ bộ não bình thường nào của con người và anh ta tận dụng điều đó như một thói quen.
MacDonald thì khác. Ravichandran thừa nhận: “Tôi chưa bao giờ biết rõ về tầm vóc của ông cho đến khi ông qua đời. Ông là một người có thể dễ dàng khiến ngay cả những tác giả truyện tranh tài năng nhất cũng phải bật cười như những đứa trẻ. Phong cách của ông là... hành động ngốc nghếch. Thực ra không phải ông ấy ngốc, mà chỉ là đủ ngây thơ để phá vỡ những nguyên tắc bất thành văn để có thể đùa giỡn.
Nói cách khác, MacDonald sử dụng trò giả ngốc như một công cụ để tước “vũ khí” của mọi người theo cách mà họ không bao giờ có thể tưởng tượng được. Bằng cách này, ông nắm bắt và dẫn dắt cuộc trò chuyện trong khi người khác vẫn nghĩ ông... ngốc nghếch và dễ thương.
MacDonald thực sự là một người kể chuyện tuyệt vời, đồng thời ông khiến bạn ấn tượng về tính cách và sự ngây thơ trứ danh của mình.”
Ravichandran kết luận: “Tôi thực sự tin rằng trong thời đại ngày nay, nơi mà sự thông minh, hay nói đúng hơn là quá thông minh là thứ kiểm soát tình huống, thì đôi khi một chút ngốc nghếch lại có thể giúp ích rất nhiều.
Thay vì cố gắng hết sức để kiểm soát cuộc trò chuyện, giả ngốc một chút và sử dụng điều đó để cuộc trò chuyện đi đúng hướng là một công cụ tuyệt vời mà tất cả chúng ta thỉnh thoảng nên sử dụng.”