Ung thư nhau thai: Bệnh hiếm nhưng rất nguy hiểm

GD&TĐ - Ung thư nhau thai có thể xuất hiện ở tất cả các trường hợp phụ nữ sau đẻ thường, sảy thai, chửa ngoài tử cung, nạo hút thai…

Ung thư nhau thai: Bệnh hiếm nhưng rất nguy hiểm
Ung thư nhau thai có thể xảy ra ở mọi phụ nữ mang thai. Bệnh có thể chữa khỏi, nhưng phần nhiều thai phụ, thậm chí bà mẹ sau sinh do chưa hiểu rõ và chủ quan với dấu hiệu của bệnh nên khi phát hiện, bệnh đã biến chứng nặng, đe dọa tới tính mạng.

Di căn nhanh, nguy cơ tử vong cao

Ung thư nhau thai có thể xuất hiện ở tất cả các trường hợp phụ nữ sau đẻ thường, sảy thai, chửa ngoài tử cung, nạo hút thai… nhưng gặp nhiều nhất sau chửa trứng (tình trạng thai nghén bất thường, một phần hay toàn bộ bánh nhau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch).
Đặc biệt, khoảng 20% thai phụ chửa trứng biến chứng thành ung thư nhau thai. BS CKII Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Phụ ung thư (bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, trung bình mỗi năm, Khoa tiếp nhận, điều trị khoảng 200 bệnh nhân ung thư nhau thai. Đáng nói, ung thư nhau thai biến chứng, di căn rất nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Với bà mẹ sau sinh, ung thư nhau thai có thể xảy ra trong quá trình mang thai rồi di căn trong cơ thể.
Điển hình là trường hợp sản phụ N.T.P.N (SN 1982, Hà Nội). Sau khi sinh con thứ 3 được 2 tháng, bệnh nhân vẫn bị ra huyết cục. Cho rằng đó chỉ là hiện tượng cơ thể đào thải sản dịch sau sinh nên chị N không để ý. Tới khi thấy tình trạng trên kéo dài, tháng thứ 7 sau sinh chị N mới tới khám tại bệnh viện Bạch Mai, thì bị phát hiện mắc ung thư nhau thai. Chị N chuyển sang điều trị tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, được chỉ định điều trị bằng truyền hóa chất. Tuy nhiên, bệnh đã di căn lên não, phổi, gan chảy máu, vỡ nhân di căn ở gan, khiến chị phải mổ cấp cứu, cầm máu…
Gần đây nhất là một trường hợp sản phụ trên 30 tuổi (trú tại Hà Nội) với hoàn cảnh khá éo le. Qua nhiều năm điều trị vô sinh, năm 2017 bệnh nhân may mắn chửa song thai. Đến tuần thai thứ 24, bệnh nhân sinh non, cả 2 cháu bé đều không cứu được. 2 tháng sau đó, bệnh nhân có hiện tượng rong huyết nhưng chủ quan, không đi kiểm tra ngay. Thời điểm tới bệnh viện Phụ sản Trung ương khám, chị đã mắc ung thư nhau thai di căn não đa ổ, sau đó phải chuyển sang bệnh viện Việt Đức phối hợp điều trị nhưng không qua khỏi.

Chủ động phát hiện sớm dấu hiệu bệnh

Theo BS CKII Nguyễn Văn Thắng, ung thư nhau thai (hay còn gọi là u nguyên bào nuôi) có 2 biểu hiện điển hình gồm: Ra máu âm đạo bất thường (rong kinh, rong huyết, băng huyết…) và đau bụng ở vùng dưới rốn. Do tỷ lệ mắc bệnh này ở phụ nữ mang thai không nhiều nên hầu hết sản phụ chủ quan, ít tìm hiểu.
Đa phần bệnh nhân khi phát hiện mắc ung thư nhau thai thì bệnh đã tiến triển nặng, di căn nhiều nơi khiến việc điều trị phức tạp, rất tốn kém mà tiên lượng bệnh xấu. Chưa kể, bệnh nhân dùng đa hóa chất còn có thể xảy ra một số nguy cơ như: Suy tủy, suy gan hoặc suy nhiều chức năng của cơ thể và khả năng tái phát tăng cao. 
BS CKII Nguyễn Văn Thắng thăm khám cho bệnh nhân
BS CKII Nguyễn Văn Thắng thăm khám cho bệnh nhân
Trong khi đó, nếu phát hiện sớm biến chứng, điều trị ung thư nhau thai rất đơn giản, tiên lượng điều trị tốt, tỷ lệ khỏi gần như 100% và tỉ lệ tái phát dưới 1%. Về phương pháp điều trị, tùy theo độ tuổi, nhu cầu sinh con cũng như giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hóa chất hay phẫu thuật cho phù hợp.
Với bệnh nhân lớn tuổi, không có nhu cầu sinh con, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt tử cung (dạ con), sau đó điều trị hóa chất. Nếu bệnh nhân trẻ, còn nhu cầu sinh con, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị hóa chất để sau khi khỏi bệnh, họ vẫn giữ được tử cung và có thể tiếp tục mang thai. Sau khi điều trị hóa chất và khỏi bệnh, bệnh nhân sẽ phải theo dõi sự tái phát của ung thư trong vòng 1 - 1,5 năm, phụ thuộc mức độ mắc bệnh.
Để chủ động phát hiện, điều trị sớm ung thư nhau thai, sau những can thiệp về sản khoa liên quan đến mang thai, nếu thấy hiện tượng ra máu bất thường, sản phụ cần lập tức tới khám tại cơ sở y tế chuyên khoa.
Thậm chí trường hợp không có tình trạng bất thường thì sau khi sinh hoặc sau khi nạo phá thai… sản phụ cũng nên đi khám lại ít nhất 1 lần để bác sỹ siêu âm, chẩn đoán xem có gì bất thường không. Đặc biệt, đa phần ung thư nhau thai phát sinh sau chửa trứng. Vì thế, phát hiện chửa trứng, điều trị và theo dõi sau chửa trứng ở sản phụ rất quan trọng.
Theo Phụ nữ thủ đô

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.