Ung thư đường tiêu hóa ở người già: Đừng buông xuôi

GD&TĐ - Mới đây Bệnh viện K đã phẫu thuật thành công cho hai cụ già hơn 80 tuổi mắc ung thư đường tiêu hóa…

Phim chụp khối U bệnh nhân T (Ảnh BVCC).
Phim chụp khối U bệnh nhân T (Ảnh BVCC).

Trường hợp đầu tiên là cụ ông Lê Văn T. 85 tuổi, quê ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Gần đây, cụ T. hay thấy biểu hiện đau bụng thượng vị, ăn uống tuy không nhiều nhưng luôn có cảm giác buồn nôn.

Sau khi thăm khám tại bệnh viện tỉnh cụ T. được chẩn đoán ung thư dạ dày và được chỉ định mổ nhưng lại từ chối phẫu thuật, về nhà điều trị thuốc nam.

Thời gian gần đây do càng ngày càng đau tức bụng, nôn kéo dài nên cụ T. nhập viện tại Bệnh viện K.

Tại Bệnh viện K, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển và cần tiến hành phẫu thuật. Sau khi động viện, giải thích rõ cho cụ T và gia đình về phương pháp điều trị thì ngày 09/09 kíp phẫu thuật khoa Ngoại Quán Sứ, Bệnh viện đã thực hiện cắt gần toàn bộ dạ dày cho cụ T.

Sau mổ, cụ T. có thể nói chuyện, vận động bình thường, ăn uống tốt và được ra viện.

Bệnh nhân Phạm Thị L. đã ổn định sức khỏe.
Bệnh nhân Phạm Thị L. đã ổn định sức khỏe.

Trường hợp thứ 2 là cụ bà Phạm Thị L., quê tại huyện Đông Hưng, Thái Bình có tiền sử đại tiện khó khăn, ăn uống khó tiêu.

3 tuần trước đó khi nhập viện việc đi tiêu càng khó khăn, các dấu hiệu càng thường xuyên hơn, đau thắt vùng bụng cụ bà này mới đến Bệnh viện K kiểm tra, kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư đại tràng, giai đoạn tiến triển.

PGS.TS Kim Văn Vụ, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Quán Sứ - Bệnh viện K cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân ung thư đại tràng sigma ở giai đoạn tiến triển.

Mặc dù bệnh nhân tuổi đã cao nhưng sau khi đánh giá tổn thương, thể trạng bệnh nhân đảm bảo, đặc biệt là có sự quyết tâm của cụ L., ngày 10/09 các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp Quán Sứ đã quyết định phẫu thuật, cắt bỏ đoạn đại tràng sigma và nạo vét hạch cho cụ L.

Ca mổ diễn ra thành công, hiện tại ngày thứ 10 sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo tiếp xúc tốt, ăn uống đi lại tốt.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, nhiều gia đình có người thân trên 80 tuổi mà phát hiện ung thư đường tiêu hóa thì thường có tâm lý buông xuôi, không điều trị. Thực tế tuổi cao là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng người bệnh đừng vội từ bỏ.

Nếu trong điều kiện cho phép và đảm bảo kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ