Người bệnh gặp tác dụng phụ khi điều trị ung thư
Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi tháng có khoảng trên 1100 người bệnh ung thư điều trị ngoại trú. Rất nhiều người bệnh ung thư khi điều trị gặp phải những tác dụng không mong muốn với tần suất tương đối cao và họ đã rất lo lắng, hoang mang.
Một số đã không tuân thủ điều trị dẫn đến giảm hiệu quả điều trị cũng như rất khó khăn trong khâu theo dõi và đánh giá tiến triển của bệnh.
Khoa Dược và Trung tâm YHHN và UB đã bàn bạc và xây dựng kế hoạch tư vấn cho bệnh nhân điều trị ngoại trú từ năm 2017-2018. Với mong muốn tăng cường nhận thức, hiểu biết của người bệnh về việcsử dụng thuốc ung thư đúng cách, dự phòng, phát hiện và xử trí những tác dụng không mong muốn của 1 số thuốc điều trị ung thư giúp người bệnh tuân thủ liệu trình điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Đây là 1 trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của những liệu pháp điều trị ung thư.
Vì vậy vào các buổi chiều hàng ngày, tại Trung tâm YHHN&Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, các dược sỹ lâm sàng của Khoa Dược sẽ trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh về 2 loại thuốc điều trị đích - nhắm trúng đích dùng trong điều trị ung thư: Cách uống thuốc, thời điểm uống thuốc các thông tin về dự phòng, phát hiện và xử trí tại nhà những tác dụng không mong muốn thường gặp của thuốc ….
Người dân an tâm hơn
Tại BV Bạch Mai, hoạt động dược lâm sàng được triển khai mạnh mẽ tại nhiều khoa như Hồi sức tích cực, Sản, Nội tiết, Trung tâm Hô hấp, Phục hồi chức năng, Thận tiết niệu, Nhi, Truyền Nhiễm, Cấp cứu, Cơ xương khớp. Các dược sĩ đã đưa ra những ý kiến tư vấn xác đáng trong việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho các bác sĩ điều trị.
Thông qua hoạt động này, vai trò của dược sĩ lâm sàng đã được nhìn nhận tại các khoa lâm sàng và trong toàn bệnh viện. Dược sĩ lâm sàng đã tham gia trực tiếp vào công tác điều trị, đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý cho người bệnh.
Điều này được thể hiện qua số lần tham gia hội chẩn theo yêu cầu của khoa lâm sàng và tham gia hội chẩn toàn viện. Từ rất ít vào năm 2012 đã tăng lên gần 100 ca trong mỗi năm tiếp theo và có xu hướng tăng lũy tiến qua từng năm.
Tại đây, mỗi người bệnh được tư vấn trực tiếp và được phát 1 bộ tài liệu về loại thuốc đang dùng để họ có thể sử dụng tại nhà và cũng là phiếu để theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc, đánh giá cho lần khám sau.
Tài liệu được xây dựng dựa trên cơ sở những thông tin về hướng dẫn sử dụng của thuốc, kết hợp với những kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam và trên thế giới, được thiết kế khoa học với màu sắc phù hợp, giúp người bệnh dễ đọc, dễ hiểu, dễ sử dụng.
Điều trị ung thư bệnh nhân xuất hiện vấy trên đầu |
Các bệnh nhân và người nhà của họ đã phản hồi tích cực về điều này. Bà V.T.L (63 tuổi, ở Bắc Giang) được chẩn đoán K phổi và bắt đầu dùng thuốc Gefitinib từ tháng 2/2019.
Từ khi dùng thuốc bà hay bị rối loạn tiêu hóa và thấy bị ngứa da đầu, xuất hiện những mảng bong chốc trên da đầu. Bà và gia đình đã rất hoang mang, lo lắng khi thấy các hiện tượng đó và có lúc đã định bỏ thuốc để dùng thuốc nam theo mách bảo.
Tuy nhiên, khi được các dược sỹ tư vấn kỹ càng, tỉ mỉ về cách sử dụng thuốc cũng như các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra và hướng dẫn cụ thể cách xử trí, bà đã hoàn toàn yên tâm để tiếp tục uống thuốc và điều trị.
Hiện nay, Khoa Dược đang triển khai thí điểm hoạt động này với 2 loại thuốc Gefitinib và Sorafenib tại Trung tâm Y học hạt nhân&Ung bướu.
Trong thời gian tới, Khoa Dược sẽ tiếp tục triển khai thêm với một số loại thuốc khác tại các đơn vị khác trong bệnh viện dành cho người bệnh mắc bệnh mạn tính dùng thuốc dài ngày, hy vọng điều đó sẽ giúp người bệnh có thêm kiến thức để sử dụng thuốc đúng cách, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.