Ứng phó với dịch bệnh: Trường học không bị động

Ứng phó với dịch bệnh: Trường học không bị động

Không bị động, bất ngờ

Ngay sau khi nhận được thông tin về dịch bệnh liên quan đến virus Corona, cô Ngô Thị Thu Hà – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Sông Lô (Tuyên Quang) lên mạng tra cứu, tìm hiểu. Nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, cô đã thông báo tới các thành viên trong tổ chuyên môn của mình về cơ chế lây lan và biện pháp phòng ngừa. Từ đó, các thành viên trong tổ chủ động soạn các phiếu ôn tập để tổ chức cho học sinh học tập tại nhà.

“Khi có thông báo của Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học tạm thời 2 tuần, tôi không bị bất ngờ và lúng túng. Hai tuần ở nhà, cô – trò vẫn thường xuyên trao đổi bài qua Zalo, Facebook. Các em khó khăn ở đâu tôi lập tức hỗ trợ đến đó. Với phương pháp ôn tập như hiện nay sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Kỳ thi THPT quốc gia đối với học sinh lớp 12” – cô Hà khẳng định, đồng thời cho biết: Đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón học sinh trở lại trường lớp học tập sau thời gian nghỉ học tạm thời, đồng thời sẽ thực hiện theo các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh.

Tại Trường Tiểu học Tây Sơn (Hà Nội), cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Hoa cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, do hiệu trưởng làm trưởng ban. Ban chỉ đạo sẽ hoạt động trong suốt năm học và chủ động thực hiện các biện pháp không để dịch bệnh lây lan trong trường học. Trong những trường hợp cấp thiết, ban chỉ đạo sẽ thực hiện các biện pháp phản ứng nhanh giống như với dịch do Covid-19 gây ra.

Cũng theo cô Hoa, kể từ khi xuất hiện dịch do Covid-19, nhà trường thực hiện tổng vệ sinh khử khuẩn nhiều lần vào các ngày: 31/1/2020; 1/2/2020; 7 - 8/2/2020. Ngày 14 - 15/2/2020 tiến hành tổng vệ sinh lần 3. Ngoài ra, trong thời gian học sinh nghỉ học, lao công vẫn tiếp tục tiến hành lau dọn vệ sinh các lớp và trường.

 Chúng tôi xây dựng kịch bản ứng phó với dịch do Covid-19 gây ra. Cụ thể: Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp có dịch bệnh trong trường học. Tình huống 2: Bệnh xâm nhập vào trường học. Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong trường học. Tình huống 4: Sau khi dịch lui. Dù là tình huống nào, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch bệnh. 
Hiệu trưởng Nguyễn Phương Hoa

Cô Hoa thông tin thêm: Nhà trường thực hiện kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo các bước: Bước 1: Học sinh hoặc giáo viên báo cáo ban giám hiệu và cán bộ y tế của trường. Bước 2: Phòng y tế phát khẩu trang cho học sinh, đưa học sinh xuống phòng y tế. Phòng y tế thực hiện các nghiệp vụ y tế theo quy định. Bước 3: Báo cho cha mẹ học sinh đến đón con, đưa con đến bệnh viện khám. Bước 4: Phòng y tế liên hệ với phụ huynh để lưu lại thông tin, kết luận của bệnh viện.

Kiểm tra xem học sinh đã tiếp xúc với những ai khi đến trường, lập hồ sơ theo dõi những người tiếp xúc. Trường hợp học sinh, giáo viên không may có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona, nhà trường sẽ báo cáo cấp trên và các cơ quan hữu quan để phối hợp với ngành Y tế xử lý theo quy định.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Phản ứng nhanh, năng lực tốt

Từ công tác phòng chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra, ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho rằng: Năng lực phòng chống dịch bệnh các nhà trường nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng khá tốt. Các trường luôn trong tâm thế chủ động, phản ứng nhanh và kịp thời.

Ông Trinh viện dẫn: Khi mới có thông báo về dịch bệnh do Covid-19, toàn thành phố đã vào cuộc, trong đó có ngành Giáo dục. Theo đó, Sở GD&ĐT triệu tập gấp hội nghị trực tuyến ở 31 điểm cầu với 100% trường học, nhóm trẻ gia đình tham gia. Từ khi phát lệnh đến khi tổ chức tập huấn chỉ qua một đêm nhưng 100% các trường học và nhóm trẻ gia đình đã tiếp cận đầy đủ thông tin về đại dịch này.

“Sau hội nghị trực tuyến, chúng tôi đi kiểm tra không báo trước ở một số trường học của quận Hoàn Kiếm. Qua kiểm tra cho thấy, tinh thần chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT đã được hiện hữu trong các nhà trường. Các trường đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, khuyến cáo học sinh, giáo viên thực hiện các điều kiện bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra, chúng tôi kiểm tra một số trường ở huyện ngoại thành, mặc dù trong thời gian nghỉ học tạm thời nhưng các trường vẫn chuẩn bị khẩu trang dự phòng, xà phòng, nước rửa tay sát khuẩn và nước uống bảo đảm vệ sinh… Điều đó cho thấy, các trường phản ứng nhanh và có thể ứng phó với dịch bệnh” – ông Trinh nhấn mạnh.

Theo ông Trinh, dịch bệnh, thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí sẽ có những diễn biến phức tạp. Nhưng với những gì mà các trường và đội ngũ giáo viên đã và đang ứng phó với Covid-19, chúng ta có thể yên tâm về năng lực phòng chống dịch bệnh của nhà trường. “Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, tới đây các trường, mà cụ thể là hiệu trưởng phải bám sát kế hoạch thực hiện trong năm học; đồng thời nắm bắt chỉ đạo thường xuyên của ngành Giáo dục, Y tế để bảo đảm sức khỏe cho học sinh và giáo viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học 2019 - 2020” – ông Trinh nói.

Các nhà trường, thầy cô giáo đã nhanh chóng thiết lập các nhóm mạng xã hội như Zalo, Facebook để trao đổi thông tin về dịch bệnh. Hệ thống tin nhắn điện tử cũng hoạt động thông suốt. Điều đó cho thấy, năng lực ứng phó với dịch bệnh của các trường tốt và kịp thời.                                                                            Ông Kiều Cao Trinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ