(GD&TĐ)-Ngày 7/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Lễ công bố Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tham dự Lễ công bố có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các Đại sứ quán tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ…
Lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long (ảnh MH) |
Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: Nhận thức rõ những tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto; đồng thời chỉ đạo từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ tháng 12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là một trong những thành công ban đầu quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Nhận thức sâu sắc thách thức này, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Chiến lược về biến đổi khí hậu có tầm nhìn xuyên thế kỷ, là nền tảng cho các chiến lược khác.
Chiến lược đã đề ra một số chương trình, đề án ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015 như: Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng kế hoạch mở rộng cho giai đoạn 2016-2025; Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long và Chương trình Đồng bằng sông Hồng về quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; Đề án kiểm kê, giám sát phát thải khí nhà kính và quản lý các hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cho các đô thị lớn của Việt Nam; Chương trình nâng cấp và cải tạo hệ thống đê biển, đê sông phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
Trình bày kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, GS.TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc xây dựng và công bố Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam. Kịch bản cập nhật năm 2012 nhằm bổ sung các dữ liệu, kiến thức mới về hệ thống khí hậu và các phương pháp tính toán mới để đưa ra các kịch bản chi tiết hơn, có cơ sở khoa học hơn và phù hợp với thực tiễn. Kịch bản mới chi tiết hóa đến đơn vị hành chính cấp tỉnh và các khu vực ven biển, đặc biệt đã bổ sung một số yếu tố cực trị khí hậu, phục vụ cho công tác tính toán thiết kế và quy hoạch.
Theo đó, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính toàn cầu, bao gồm: kịch bản phát thải thấp (B1), kịch bản phát thải trung bình (B2, A1B), kịch bản phát thải cao (A2, A1FI).
Các yếu tố của kịch bản bao gồm: mức tăng nhiệt độ, sự thay đổi lượng mưa trung bình của các mùa và trung bình năm; các cực trị khí hậu (nhiệt độ tối cao trung bình, tối thấp trung bình, sự thay đổi của số ngày có nhiệt độ lớn hơn hơn 350C và mức thay đổi của lượng mưa ngày lớn nhất); mực nước biển dâng cho các khu vực ven biển. Mức độ chi tiết của kịch bản biến đổi khí hậu với quy mô ô lưới tính toán là 25km x 25km (tương đương đến cấp huyện).
Kịch bản nước biển dâng được xây dựng cho 7 khu vực ven biển; các bản đồ nguy cơ ngập cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ 1:5.000; các bản đồ nguy cơ ngập cho đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh và các tỉnh ven biển có tỷ lệ 1:10.000 (mức chi tiết tương đương đến cấp huyện).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Thời gian tới, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Chiến lược thông qua việc cụ thể hoá Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Ngọc Lan