Cơn bão mạnh nhất trong vòng nhiều năm qua
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lúc 13 giờ, bão số 9 cách đất liền từ Đà Nẵng – Quảng Ngãi khoảng 440km. Với tốc độ di chuyển khoảng 20-30km/h, thì hơn 10 tiếng nữa tâm bão vào bờ.
“Hiện cơn bão đang ở trạng thái mạnh nhất với cấp gió là cấp 14 và giật 17. Trạng thái mạnh sẽ kéo dài từ 6 đến 12 tiếng đồ hồ nữa. Bắt đầu từ đêm nay bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền.
Trên đất liền từ Đà Nẵng đến Bình Định sẽ có gió từ cấp 11-12, không loại trừ cấp 13. Ở đảo Lý Sơn và Cù Lao Chàm lên cấp 13 giật cấp 16. Cơn bão này không suy yếu nhanh khi vào bờ, có thể Bắc Tây Nguyên gió mạnh đến cấp 7-8 giật cấp 9. Mưa lớn từ 200-400mm”, vị đại diện thông tin.
Cũng theo vị đại diện, vài ngày sau từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An sẽ mưa lớn hơn. Toàn bộ vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Bắc Bình Định có sóng lớn ven biển từ 6 – 8m. Nước dâng từ 0,5 – 1,5 m. Các biển Mỹ Khê Đà Nẵng sẽ ngập từ 1-2 m. Đây là cơn bão mạnh nhất trên biển từ 10-20 năm, mạnh hơn nhiều bão Damrey 2017, và Xansane vào Đà Nẵng vào năm 2006.
Ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho hay, hiện còn 142 tàu của tỉnh Bình Định với 1.118 dân đang thoát ra khu vực nguy hiểm. Còn 45.000 tàu đã trú tránh an toàn, đang đi về phía Nam.
“Về tàu vãng lai, Đà Nẵng cho 144 tàu vào cảng đậu an toàn. Quảng Nam đang có 1 tàu ở Cù Lao Chàm. Tỉnh Bình Định hiện có 78 tàu, có 15 tàu trong cảng, 48 tàu neo phao tàu ở vịnh…Các tỉnh khác đã cấm biển”, ông Hoài nói.
Về sơ tán dân, tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch sơ tán 19.000 hộ, có thể điều chỉnh tăng lên, Đà Nẵng sơ tán 12.000 hộ với 32.000 dân; tỉnh Quảng Nam 14.800 hộ khoảng 42.000 dân. Tỉnh Quảng Ngãi 24.000 hộ với 94.000 dân, tỉnh Bình Định 23.000 hộ với 96.000 dân, xong trước 19 giờ tối nay. Tỉnh Phú Yên sơ tán 8.000 hộ với khoảng 27.000 dân xong lúc 17 giờ chiều.
Ông Hoài cũng cho hay, các công trình đã được kiểm soát, khu vực Quảng Nam ở các Khu công nghiệp, nơi công nhân ở và nơi ở người dân đã kiểm tra và cho sơ tán khẩn trương. Tỉnh Bình Định đang cưỡng chế những hộ không chấp hành. Các đoàn đang kiểm tra chi tiết từng khu vực.
Còn ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho biết, dự kiến sơ tán hơn 35.000 hộ với hơn 140.000 dân; 437 lồng bè đã được neo đậu, nghiêm cấm không cho người ở lại.
Có 20 hồ chứa, giao cho công ty phối hợp các địa phương trực chiến, UBND TP giao cho Công an TP và Sở GTVT ngăn cấm phương tiện giao thông và người dân đi lại từ 20 giờ tối 27/10.
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đến nay, đối với miền núi tập trung xử lý những khu vực trước đây đã bị sạt lở, chia cắt, dự trữ lương thực, phương tiện ứng cứu cục bộ. Ở đồng bằng, các hồ thủy lợi, mực nước các trạm dưới báo động 1. Các thuỷ điện đã vận hành đưa nước xuống mức thấp nhất... Tất cả tàu bè đã cập bến an toàn. Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 17 giờ chiều cùng ngày.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các địa phương hết sức khẩn trương bởi đây có thể nói là cơn bão đặc biệt.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cơn bão vào biển Đông lúc 9 giờ ngày 26/10. Sáng 28/10 bão sẽ cập tỉnh Quảng Nam – Bình Định là tâm bão nhưng vì phổ rộng ở Bắc và Nam, nên Thừa Thiên Huế và tỉnh Bình Định, Phú Yên cũng phải chuẩn bị kỹ....
Thiếu tướng Doãn Thái Đức – Chánh Văn phòng UBQG Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho hay, về huy động lực lượng trên địa bàn Quân khu 5 là 66.121 lượt người với 1.716 phương tiện, tàu to 79 chiếc, xuồng các loại 702, và 7 máy bay trực thăng, còn 1028 các loại ô tô các loại. Nếu cần sẽ huy động Quân đoàn 3, Quân khu 7, Quân khu 4.
Lập sở chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cho rằng, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và phạm vi ảnh hưởng rộng, vào bờ gây ngập úng lớn. Đây là cơn bão rất nguy hiểm, thời gian không còn nhiều nên phải tập trung ứng phó.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đổ bộ vào khu vực miền Trung, khu vực đang chịu nhiều tổn thất lớn nên tuyệt đối không được chủ quan.
Phó Thủ tướng cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân và của nhà nước. Các địa phương cần chủ động với phương châm 4 tại chỗ và có sự hỗ trợ của các bộ ngành.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đảm bảo an toàn trên biển, tiếp tục rà soát tàu thuyền cho ra khỏi khu vực nguy hiểm, đưa về nơi tranh trú; Sơ tán người dân ra khỏi cơ sở sản xuất ven biển, trên biển, nhất là các đảo. Đảm bảo an toàn trên đất liền khi bão vào, sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm. Đảm bảo an toàn cho các công trình, kho tàng, trường học, công sở, các công tình đang xây dựng,...Bên cạnh đó, bảo vệ các công trình hạ tầng, nhất là hệ thống truyền tải điện, đường dây điện 500 KV qua khu vực này. Bảo vệ các khu vực sản xuất dịch vụ, nhà máy, KCN.
Cùng với đó là việc bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều nhất ở tỉnh Quảng Nam. Các Bộ liên quan phải rà soát hồ đập. Chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, sạt lở đất ở khu vực miền núi của miền Trung – Tây Nguyên. Đặc biệt là hỗ trợ xuồng nhỏ vào cứu người dân. Bộ GTVT chủ động các phương tiện tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng) và kiểm tra tại khu vực biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).