Ứng dụng tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm i-HR: Nguồn cảm hứng từ những người lính Trường Sa

GD&TĐ - Từ chuyến công tác Trường Sa trở về, kỹ sư Trần Vũ Thành đã cho ra mắt ứng dụng công nghệ số tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên mang tên i-HR.

Kỹ sư Trần Vũ Thành (bên phải) là tác giả của nhiều công trình hướng về biển đảo Tổ quốc.
Kỹ sư Trần Vũ Thành (bên phải) là tác giả của nhiều công trình hướng về biển đảo Tổ quốc.

“Nặng lòng” với biển đảo

Người đưa ra ý tưởng sáng lập ứng dụng i-HR là kỹ sư Trần Vũ Thành, tác giả của nhiều công trình hướng về biển đảo Tổ quốc như máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác, ứng dụng công nghệ xử lí vi sinh cho môi trường biển đảo...

Anh cũng đoạt nhiều giải thưởng cao của Tổ chức tình nguyện Liên Hợp Quốc, Trung ương Đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân… và giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam Vifotec 2017.

Kỹ sư Trần Vũ Thành chia sẻ, năm 2017, sau chuyến công tác ở Trường Sa, trở về trên chuyến tàu có nhiều chiến sĩ vừa hoàn thành nghĩa vụ. Họ tâm sự, chia sẻ nỗi băn khoăn về việc làm, tương lai phía trước.

Họ được Nhà nước, quân đội định hướng, khuyến khích học nghề nhưng không phải ai cũng có điều kiện thực hiện ước mơ. Kỷ niệm dấy lên trong anh là sự thôi thúc cần làm điều gì đó để chia sẻ với những người lính trẻ và rộng hơn là thanh niên, người lao động trong nước.

Bắt đầu từ nguồn cảm hứng ở những người lính kiên cường, đầy sức sống nên i-HR mang biểu tượng thật thiêng liêng. Đó là lá cờ đỏ sao vàng “tung bay” trên không gian số. Lực lượng quân nhân xuất ngũ ở quân đội, công an cũng là đối tượng đầu tiên được ứng dụng đề cập tới, có sự ghi nhận thông qua hồ sơ.

Bằng nền tảng kỹ thuật, i-HR nhận diện và số hóa năng lực lao động cho quân nhân xuất ngũ. Dạng hồ sơ này được tự động cộng thêm 5 điểm kỉ luật, 5 điểm sức khỏe vào chỉ số năng lực lao động. Như vậy, nếu một quân nhân xuất ngũ khi tìm việc làm thì mức thu nhập sẽ cao hơn các hồ sơ khác khoảng vài triệu đồng một tháng. Bên cạnh đó, nếu họ quyết định học nghề hoặc đi du học thì thông qua điểm này sẽ có những ưu đãi riêng.

“Niềm vui đối với chúng tôi ở thời điểm này là ngoài lực lượng đông đảo người lao động kết nối qua ứng dụng, đã có 110 chiến sĩ Trường Sa vừa xuất ngũ tháng 8/2021 đã gửi đơn về i-HR. Đây là những quân nhân xuất ngũ đầu tiên được i-HR chăm sóc, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí” - kỹ sư Trần Vũ Thành chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, i-HR được phát triển dành cho tất cả đoàn viên, thanh niên và người lao động. Thông qua giải pháp công nghệ 4.0 (cloud, bigdata, AI), ứng dụng được phát hành trên hai nền tảng website, Mobile App (iOS và Android). i-HR cung cấp dịch vụ quản trị toàn diện trực tiếp, trực tuyến và 24/7 kết nối người lao động với các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục.

Nền tảng công nghệ của i-HR cho phép tìm kiếm, tổng hợp, phân tích, báo cáo số liệu. Đồng thời tự động phân tích năng lực lao động, xác định chỉ số LCS (Labour Capacity Score) dựa trên ba yếu tố: Chuyên môn, sức khỏe, kỷ luật.

Với sự có mặt của AI (trí tuệ nhân tạo), người lao động và nhà tuyển dụng sẽ tự tìm thấy nhau khi thỏa mãn 70% mức độ tương thích. Hai bên đều nhận được thông báo và trực tiếp hẹn lịch phỏng vấn mà không phải qua bất kỳ bên trung gian nào. Trong giai đoạn đầy thử thách hậu Covid-19, tác giả cho rằng, cơ hội vẫn đến khi chúng ta đủ bản lĩnh, sáng tạo và hướng tới sự phát triển chung của toàn xã hội.

Triển khai trên phạm vi toàn quốc

Kỹ sư Trần Vũ Thành (bên trái) đã có 9 lần đến với Trường Sa.
Kỹ sư Trần Vũ Thành (bên trái) đã có 9 lần đến với Trường Sa.

Hình thức hoạt động của i-HR tương tự các ứng dụng công nghệ khác, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng lao động tiếp cận, kết nối nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, nguồn thông tin đa dạng. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đào tạo và doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh, tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp. Trên i-HR, người lao động và nhà tuyển dụng sẽ nhanh chóng tìm thấy nhau, giảm tối đa thời gian chờ đợi, tìm kiếm việc làm.

Ứng dụng cũng sử dụng những công cụ tiên tiến nhất: Mã định dạng cá nhân (QRCode); Điểm năng lực    lao động (LCS); Cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata); Trí tuệ nhân tạo giúp nâng cao tối đa hiệu suất kết nối và giảm tối đa chi phí. Hệ thống điểm i-point còn giúp người lao động và nhà tuyển dụng trải nghiệm nhiều dịch vụ gia tăng hơn, hình thức thanh toán điện tử tiện lợi, nhanh chóng.

Ngoài ra, ứng dụng còn hỗ trợ tư vấn, mã hóa... hồ sơ giúp người lao động thiết lập CV chuẩn xác, chuyên nghiệp và tiện lợi. Nhờ đó, mỗi lần tham gia tuyển dụng, không ai phải mang theo hồ sơ giấy…

i-HR là ứng dụng miễn phí hoàn toàn cho đối tượng người lao động. Vì thế, Trung ương Đoàn đã hợp tác triển khai trong tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên trên phạm vi toàn quốc. Thời gian phối hợp 5 năm từ 2021 đến 2026, bởi ứng dụng công nghệ phù hợp với chiến lược chuyển đối số quốc gia.

Cụ thể, thông qua chương trình “Việc làm hậu Covid-19” giúp cung ứng nhân lực, đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Kịp thời giúp thanh niên công nhân và người lao động sớm trở lại làm việc tại các khu, cụm công nghiệp góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giúp thanh niên công nhân và người lao động làm quen với các phương thức giới thiệu, tìm kiếm việc làm trực tuyến phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Ủy viên BCH, Phó Trưởng ban Thanh niên công nhân và Đô thị Trung ương Đoàn cho biết: “Việc phối hợp triển khai ứng dụng i-HR có thể coi là một giải pháp đột phá góp phần đa dạng hóa hình thức và nâng cao hiệu quả tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên. Điều này phù hợp với chủ trương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19”.

Ngoài ra, việc sử dụng i-HR tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, học viên trường nghề tiếp cận nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, có nhiều lựa chọn.

Theo kế hoạch, cuối tháng 10/2021, ứng dụng i-HR sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc thông qua hệ thống các Tỉnh, Thành đoàn, triển khai đồng loạt tới cấp huyện, xã và các đơn vị trực thuộc. Kế hoạch đến hết tháng 12/2021 sẽ đạt các chỉ tiêu: 500 nghìn người lao động, 10 nghìn doanh nghiệp và 1 nghìn cơ sở giáo dục nghề nghiệp tải App.

Các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề hài lòng về sự tiện lợi, chủ động thu hút được các học viên đang có nhu cầu đào tạo trên dữ liệu của hệ sinh thái i-HR và chủ động cung cấp ra thị trường nguồn học viên có chất lượng chuyên môn cao hoặc cung cấp theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Trường Cao đẳng nghề số 4-BQP (Nghệ An) cho biết, nhà trường vừa biết đến ứng dụng i-HR thông qua chương trình xúc tiến hợp tác tìm nguồn học viên cho năm học mới. Thế mạnh về dữ liệu của i-HR là những thanh niên vừa mới tốt nghiệp THPT, thanh niên đến độ tuổi đi học, đi làm và nhất là các chiến sĩ công an, bộ đội xuất ngũ.

“Đây là những đối tượng mà chúng tôi rất quan tâm và mong muốn thu hút về trường để đào tạo, vì phần lớn các em đều có khát khao được học tập, phát triển. Đặc biệt ưu thế của các em là được rèn luyện trong quân ngũ có sức khỏe tốt, kỷ luật tốt. Sau thời gian đào tạo, phần lớn các bạn sẽ trở thành những người có chỉ số năng lực lao động rất cao, cơ hội có việc làm tốt” – bà Hòa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường đoạn 'Chiến thắng Điện Biên' của bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa

Cây súng và ngòi bút

GD&TĐ - Nhà văn Hữu Mai (tên khai sinh Trần Hữu Mai), sinh 1926 tại phố Hàng Cấp, TP Nam Định, mất 2007 tại Hà Nội.