Tranh thủ cuối giờ làm việc, TS Phạm Duy Hiền - Phó Chủ nhiệm khoa Ngoại (Bệnh viện Nhi T.Ư) - giới thiệu cho chúng tôi về một số hình ảnh trong ca mổ bằng rô-bốt (thiết bị mua từ Mỹ về) mà anh vừa thực hiện trong thời gian gần đây.
Trong tháng 9 vừa qua, TS Phạm Duy Hiền đã phẫu thuật bằng rô-bốt cho ba bệnh nhi là: Bùi Quốc Bảo (1 tuổi), Hoàng Phương Nhung (8 tuổi) và Nguyễn Quang Tùng (4 tuổi).
Các trường hợp này đều mắc bệnh lý nang ống mật chủ (tức ống mật chủ giãn thành nang mà không có bít tắc cơ học ở phần cuối ống mật chủ).
Đây là một trong các ca phẫu thuật phức tạp ở người bệnh nhỏ tuổi. Anh cũng giảng giải cho tôi hiểu phần nào về công nghệ phẫu thuật nội soi bằng rô-bốt ở Việt Nam.
Theo TS Hiền, ban đầu công nghệ này được ứng dụng phẫu thuật cho người lớn ở Mỹ vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Từng bước được cải tiến, đầu năm 2000, phẫu thuật bằng rô-bốt được ứng dụng cho các bệnh nhân nhỏ tuổi.
Đến nay, rô-bốt phẫu thuật đã phát triển đến thế hệ thứ tư, với bốn cánh tay thao tác, đầu ca-mê-ra thông minh, và góc phẫu thuật rộng 580 độ (trên hình ảnh 3D).
thuật nội soi rô-bốt là kỹ thuật đặc biệt, nhờ có hình ảnh không gian ba chiều mà phẫu thuật viên có thể quan sát sâu hơn, chính xác hơn so với hình ảnh không gian hai chiều của phẫu thuật nội soi quy ước.
Nhờ các khớp di động linh hoạt mà rô-bốt thực hiện tốt các động tác quay ngược cổ tay 180 độ (động tác này người thường hay thiết bị mổ nội soi quy ước không thực hiện được), nhất là khả năng luồn sâu vào các phần nhỏ nhất của cơ thể một cách dễ dàng và chính xác.
Cũng theo TS Phạm Duy Hiền, phẫu thuật bằng rô-bốt giúp phẫu thuật viên đỡ tốn sức hơn mổ nội soi kinh điển. Bởi người bác sĩ chỉ cần ngồi điều khiển mà không phải đứng, các thao tác chủ yếu thông qua hai khớp cổ tay nên phẫu thuật viên không phải thay đổi tư thế khi phải bóc tách hoặc khâu nối ở vùng khó khăn. Những ưu điểm này giúp các phẫu thuật viên không mắc phải các bệnh lệch vẹo cột sống, đau khớp vai mạn tính...
Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước đúng dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2014), nhân dịp khai trương Trung tâm Phẫu thuật nhi khoa (Bệnh viện Nhi T.Ư), lần đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ phẫu thuật bằng rô-bốt vào sử dụng.
Từ đó đến nay, đã có 33 trường hợp người bệnh nhỏ tuổi được cứu sống bằng rô-bốt phẫu thuật. Theo PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, do chủ động cử các bác sĩ đi đào tạo ở nước ngoài trong việc sử dụng rô-bốt để phẫu thuật nên khi được trang bị các thiết bị hiện đại là các phẫu thuật viên có thể sử dụng được ngay.
Hệ thống rô-bốt phẫu thuật này có thể thực hiện ở khá nhiều mặt bệnh như u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, teo đường mật, thận - tiết niệu, sản phụ khoa, chỉnh sửa van tim... cho cả trẻ em và người lớn.
Ưu việt của phương pháp phẫu thuật này là vị trí phẫu thuật ít bị xâm lấn, độ sang chấn không đáng kể, và ít chảy máu nên người bệnh phục hồi nhanh.
Đã có hơn 30 trường hợp được phẫu thuật nhưng không có ca nào bị nhiễm trùng hay biến chứng. Do khả năng kết nối với máy tính của thiết bị rô-bốt, vì vậy có thể thực hiện phẫu thuật từ xa mà phẫu thuật viên không phải trực tiếp có mặt tại "hiện trường".
Điều này mở ra khả năng ứng dụng lớn (khi có điều kiện tài chính) trong phẫu thuật điều trị cho các trường hợp có nhu cầu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, hay một khu vực bị thảm họa thiên tai....
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ở nước ta có hàng chục nghìn trường hợp bị u nang ống mật chủ, teo đường mật bẩm sinh, thận ứ nước, các bệnh lý về tiêu hóa, tiết niệu...
Việc đưa công nghệ phẫu thuật nội soi bằng rô-bốt vào ứng dụng nhằm điều trị các chứng bệnh hiểm nghèo cho trẻ em, là cơ hội tạo điều kiện cho các cháu được thụ hưởng những thành tựu khoa học trong y học hiện đại.
Tuy nhiên, do thiết bị này còn hiếm lại đắt tiền, cho nên giá thành một ca phẫu thuật bằng rô-bốt còn cao từ 50 - 80 triệu đồng (mặc dù hơn 30 trường hợp mổ vừa qua, bệnh viện thu mức phí như một ca mổ nội soi quy ước), trong khi phần lớn bệnh nhi ở địa bàn nông thôn, miền núi và gặp hoàn cảnh khó khăn.
Bởi vậy, Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm y tế phù hợp cho các đối tượng điều trị bằng phương pháp phẫu thuật bằng rô-bốt để số trường hợp được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao này ngày càng nhiều hơn.
Mặt khác, có cơ chế liên kết giữa Bệnh viện Nhi T.Ư với các cơ sở y tế khác trong việc điều trị bằng rô-bốt (áp dụng cho cả các bệnh lý người lớn), nhằm khai thác công suất của thiết bị đắt tiền.
Đồng thời tránh cho người bệnh phải ra nước ngoài, tốn kém, chi phí gấp hàng chục lần so với phẫu thuật điều trị trong nước. Tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học từ hoạt động của rô-bốt phẫu thuật, tìm nguồn tài chính từ xã hội hóa để bảo trì, bảo dưỡng và "nuôi" thiết bị đặc biệt này cũng là điều phải tính đến nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; là cách san sẻ chi phí cho các trường hợp con trẻ mắc bệnh hiểm nghèo nhưng còn lắm khó khăn.