Ứng dụng hiệu quả CNTT
Năm 2023, xã Điền Xá, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) có 1 lớp xóa mù chữ được tổ chức tại Trường TH&THCS Điền Xá. Được khai giảng từ tháng 10, với 20 học viên. Lớp học diễn ra từ 19h30 đến 21h30, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Hiện lớp đang thực hiện tiến trình dạy học ở kỳ 1 giai đoạn 1 chương trình phổ cập giáo dục.
Cô giáo Trần Thị Chau (34 tuổi) cho biết, trong quá trình giảng dạy đã đưa ứng dụng CNTT và đa dạng hình thức học tập để tạo hứng thú cho học viên.
Lớp học được trang bị đầu chiếu, màn chiếu đầy đủ nên tất cả các tiết học cô Chau đều ứng dụng trình chiếu powerpoint vào giảng dạy. Để bài giảng thêm phong phú, cô Chau sưu tầm nhiều hình ảnh và video trực quan sinh động.
Cô chọn lọc và tải các video mầm non với nội dung dạy tập đánh vần, nhận biết chữ cái, các video thế giới xung quanh để học viên được mở rộng hiểu biết. Việc thường xuyên sử dụng video sinh động màu sắc và âm thanh khiến các tiết học không bị nhàm chán, học viên hưởng ứng cao.
Tận dụng sự tối ưu của công nghệ, cô Chau còn tải các phần mềm tập viết tiếng Việt để dạy xóa mù chữ. Đây là phần mềm thông dụng dạy chữ cho học sinh Tiểu học, hướng dẫn cụ thể chi tiết cách cầm bút, cách đặt nét điểm đầu và điểm cuối, hỗ trợ rất nhiều song song với quá trình ghi bảng của giáo viên.
Vì ứng dụng công nghệ nên việc trình chiếu từ mới được cô Chau sử dụng thường xuyên, đặc biệt là hướng dẫn cách đọc, viết trên sách mềm. Hệ thống sách mềm có phần kết nối âm thanh sẽ giúp học viên được nghe cách đọc chữ phổ thông chuẩn, dễ dàng quan sát và rèn khả năng ghi nhớ.
Theo cô Chau, được học trên máy chiếu nên đa phần học viên thấy rất hiệu quả, đặc biệt là một số học viên mắt kém. Có những học viên 40 đến 50 tuổi bị cận loạn thị, nhìn sách chữ nhỏ bị lóa, nhiều khi không nhìn rõ. Nhìn màn chiếu thấy chữ to, dễ đọc, lại có màu sắc và hình ảnh sinh động thì học rất nhanh.
Các học viên chăm chú nghe giảng. |
“Với học viên chưa biết chữ thì việc nhớ hình ảnh sẽ nhanh hơn rất nhiều so với nhớ mặt chữ. Do vậy tôi sử dụng phương pháp bắc cầu, cho học viên nhận biết hình ảnh trước, từ đó đoán chữ rồi mới học thuộc chữ”, cô Chau nói.
Học viên Lý Thị Mai (49 tuổi) cho biết, trước không biết chữ số nên đi bóc vỏ keo thuê, người ta trả tiền công bao nhiêu cũng không biết, đưa như nào thì cầm như thế.
“Giờ được học lại được chơi rất vui, thích giải đố, trò chơi kéo thả, vòng quay may mắn. Về cũng tự tin đố lại cháu”, chị Mai nói.
Học viên thích thú
Cô giáo Phạm Hồng Thắm, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Điền Xá cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo, nhà trường được đầu tư máy chiếu và màn hình thông minh tại hầu hết các lớp học trong đó sử dụng cho lớp xóa mù chữ.
Trường luôn phối hợp với xã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phân công giáo viên giảng dạy tốt để đảm bảo chất lượng chương trình phổ cập giáo dục.
“Cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, đầu chiếu kết nối với loa phát trực tiếp âm thanh từ máy tính nên học viên tại lớp học của cô Chau luôn được nhảy khởi động đầu giờ. Đó là các bài nhảy dân vũ theo nhạc, cả học viên và cô giáo đều làm theo động tác mẫu trên video, động tác còn ngượng nghịu vụng về nhưng vô cùng thích thú”, cô Thắm nói.
Các học viên thích thú nhảy cùng cô giáo khởi động đầu giờ. |
Ông Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Xá cho biết, hiện xã có 315 hộ dân với 1434 nhân khẩu. Trong đó, tỷ lệ chưa biết chữ chiếm dưới 5%.
Việc nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền xã, nhà trường và các thôn bản trong việc bố trí cơ sở vật chất, giáo viên cũng như vận động tuyên truyền người dân tham gia, mở rộng đối tượng cả người chưa biết chữ và muốn học lại chữ.
Năm 2023, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) có 3 lớp xóa mù chữ được tổ chức tại Trường PTDTBT TH&THCS Hà Lâu, xã Hà Lâu và Trường TH&THCS Điền Xá, xã Điền Xá.
Các lớp thu hút được 70 học viên tham gia. Trong đó, xã Điền Xá có 20 học viên và xã Hà Lâu có 50 học viên, chủ yếu là người Tày và người Dao.