Năm 2017, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tiếp tục có những hoạt động tích cực, tổ chức, triển khai nhiều sự kiện lớn như: kỷ niệm 40 năm thành lập Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; chủ động đề xuất tổ chức chuỗi sự kiện mang tính quốc tế nhằm kỷ niệm 30 năm ngày UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ động triển khai Đề án vận động tranh cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017 – 2021.
Ngoài ra còn phát huy vai trò chủ động dẫn dắt thông qua việc đảm nhiệm một số vị trí quan trọng tại các Ủy ban chuyên môn của UNESCO; chủ động đăng cai những Hội nghị quốc tế quan trọng...
Thông qua việc tham gia sâu rộng vào các diễn đàn của UNESCO, Việt Nam đã bảo vệ thành công việc công nhận hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại là “Hát Xoan Phú Thọ” và “Bài Chòi Trung bộ”.
Việc “Bài Chòi” được công nhận nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận của Việt Nam lên con số 12, điều đó khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối ngoại giữa các cá nhân, cộng đồng và các dân tộc khác nhau của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
… và “Bài Chòi Trung bộ” để UNESCO công nhận |
Đối với “Hát Xoan”, Ủy ban Quốc gia đã tư vấn, tham mưu để Phú Thọ có những biện pháp bảo tồn và phát huy thành công di sản, từ đó góp phần đưa hát Xoan ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp.
Đây là trường hợp đầu tiên được xem xét, công nhận và thực sự là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế với sự nỗ lực thành công trong việc bảo tồn và phát huy một di sản có nguy cơ bị biến mất.
Trong lĩnh vực giáo dục, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với Bộ GD&ĐT đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động như: triển khai một số hoạt động liên quan đến giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản trong các trung tâm học tập cộng đồng; GD mầm non; tăng cường công tác thống kê trong GD… Đồng thời UNESCO Việt Nam cũng tổ chức một số hội thảo như: “Phát triển GD STEM cho trẻ em gái tại Việt Nam”; “Công nhận văn bằng GD đại học”; Hội nghị quốc gia “Củng cố mạng lưới các trường liên kết của UNESCO”…
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, năm 2018, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tăng cường vai trò tại các diễn đàn đa phương thông qua việc đảm nhiệm vai trò tại các cơ quan chủ chốt của UNESCO; tiếp tục vận động UNESCO công nhận các loại hình danh hiệu của UNESCO với các hồ sơ chương trình ký ức thế giới; danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như: “Then Tày, Nùng, Thái”; Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà; Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang; Công viên địa chất Cao Bằng; Krông Nô; Lý Sơn; Gia Lai; Khu dự trữ sinh quyển Hoàng Liên Sơn - Lào Cai… để tăng khả năng UNESCO công nhận các loại hình danh hiệu di sản trong thời gian tới…
Tại Hội nghị một số cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong năm 2017 đã được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp UNESCO Việt Nam.