Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động thu thập thông tin tại Thừa Thiên - Huế phục vụ xây dựng hồ sơ khoa học.
Bài chòi là một trò chơi, thú tiêu khiển vừa là một hình thức trình diễn độc đáo của nhân dân vào những dịp lễ hội ngày xuân. Trò chơi dân gian này được kết tinh qua nhiều thế hệ, với sự sáng tạo không ngừng và trở thành một trò chơi dân gian mang tính nghệ thuật cao, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa trong mỗi lời ca, câu hát.
Với những giá trị độc đáo của bài chòi, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia “Nghệ thuật bài Chòi miền Trung Việt Nam” trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu Lịch sử văn hóa Huế và các nghệ nhân đã đi tìm lời giải cho quá trình hình thành và phát triển bài chòi ở Thừa Thiên Huế, từ nghệ thuật khắc in, chế tác con bài, cách thức trình diễn, giá trị ngôn ngữ, văn học của các làn điệu dân ca…cho đến giá trị của bài chòi Thừa Thiên Huế trong tổng thể bài chòi Trung bộ.
Một số tham luận đã đưa ra những đặc điểm riêng của bài chòi ở Thừa Thiên Huế so với các tỉnh Nam trung bộ, nêu lên thực trạng và xu hướng biến đổi của nó theo thời gian và đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình này.
Được biết Thừa Thiên Huế là một trong 10 tỉnh thành nằm trong kế hoạch xây dựng hồ sơ Nghệ thuật bài Chòi miền Trung Việt Nam được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chọn để trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.