Chuẩn cũng là căn cứ quan trọng cho các trường đại học sư phạm và các viện sư phạm nâng cao trình độ chuyên môn trong việc định hướng chương trình giáo dục của mình. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục của Chính phủ Ukraina.
Những chức năng phải đáp ứng
Ukraina bắt đầu xây dựng chuẩn mới vào năm 2019 với sự tham gia của tất cả nhóm mục tiêu: GV, lãnh đạo các trường phổ thông, đại diện các trường đại học sư phạm, các tổ chức xã hội. Công việc này đang được hoàn thiện và sẽ được áp dụng trong thời gian tới.
Bộ Giáo dục Ukraina đã chọn hai lĩnh vực chính trong hoạt động nghề nghiệp của GV - cá nhân (phẩm chất cá nhân của nhà giáo) và chuyên môn (mức độ hình thành năng lực chuyên môn).
Quyền hạn và nghĩa vụ của GV phụ thuộc vào những chức năng mà mỗi người thực hiện. Sau nhiều cuộc thảo luận, các chuyên gia đã xác định được những chức năng cần có của GV: Dạy học; tương tác với HS, phụ huynh, GV khác; tham gia vào việc tổ chức môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, hòa nhập; quản lý quá trình dạy học; phát triển nghề nghiệp thường xuyên.
Chức năng nghề nghiệp đầu tiên - dạy học: Đòi hỏi GV không ngừng hoàn thiện kiến thức môn học và sử dụng các hình thức, phương pháp và phương tiện dạy học hiện đại, giải thích rõ ràng và diễn thuyết thành thạo, biết một ngoại ngữ và có thể giao tiếp, nắm vững công nghệ số và áp dụng công nghệ dạy học từ xa.
Chức năng tương tác với học sinh, phụ huynh, các giáo viên khác: Đòi hỏi người giáo viên phải có khả năng hiểu được những cảm xúc của mình, cảm xúc của học sinh, cảm xúc của người khác, kỹ năng phản ứng và ghi nhận chúng, cũng như khả năng hợp tác trên cơ sở đối tác và làm việc theo nhóm.
Người ta nói rằng môi trường là người thầy thứ ba. Vì vậy chức năng tham gia tổ chức môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, hòa nhập là vô cùng quan trọng. Chức năng này đòi hỏi khả năng phát hiện nhu cầu và đánh giá những đặc điểm cá nhân của mỗi HS, thể hiện sự quan tâm tới sức khỏe và sự an toàn của học trò, tham gia tổ chức môi trường giáo dục an toàn, hòa nhập và thúc đẩy hoạt động học tập.
Chức năng quản lý quá trình dạy học: Đòi hỏi GV khả năng xây dựng hoặc mô phỏng các chương trình dạy học, lập kế hoạch quá trình dạy học trong một năm, một học kỳ, một tiết học, quản lý học sinh trong tiết học và hoạt động ngoại khóa, tổ chức hoạt động dự án của HS và đánh giá thành tích học tập cá nhân của các em.
Dĩ nhiên, tất cả những chức năng lao động và năng lực chuyên môn nói trên chỉ có thể được thực hiện với điều kiện GV không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng và động não. Chính điều này liên quan tới chức năng phát triển nghề nghiệp thường xuyên, nó đòi hỏi 3 năng lực chuyên môn: Đổi mới, học tập suốt đời và khả năng tư duy.
Những năng lực cần có
Ngoài các năng lực chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp GV còn bao gồm các năng lực chung: Năng lực công dân, năng lực xã hội, văn hóa tự thể hiện, năng lực lãnh đạo và năng lực kinh doanh. Năng lực công dân là khả năng hành động có trách nhiệm và có ý thức của GV, dựa trên sự tôn trọng các quyền và tự do của con người và công dân; thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; nhận thức về các giá trị của xã hội dân sự và nhu cầu phát triển bền vững của nó. Năng lực xã hội là khả năng của GV tương tác với HS, phụ huynh, đồng nghiệp và các đại diện khác của cộng đồng địa phương; khả năng làm việc theo nhóm, khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề một cách xây dựng.
Văn hóa tự thể hiện là khả năng tôn trọng và đánh giá nền văn hóa dân tộc Ukraina, sự phong phú và tính chất đa văn hóa của xã hội; khả năng thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, khả năng tự thể hiện trong sáng tạo. Tất nhiên, GV phải có năng lực lãnh đạo, nghĩa là có khả năng ra quyết định và lôi cuốn học trò, phụ huynh, đồng nghiệp tham gia quá trình này; có khả năng truyền cảm hứng và trợ giúp trong quá trình đi tới kết quả.
Năng lực kinh doanh trước hết là khả năng của GV đưa ra những ý tưởng mới, giải quyết các tình huống khó khăn một cách sáng tạo và khả năng đổi mới.
Điểm đặc trưng đối với chuẩn nghề nghiệp giáo viên Ukraina, cũng như đối với hầu hết chuẩn của các quốc gia khác, là xác định 4 trình độ năng lực của GV. Tên gọi của các trình độ này có thể khác nhau ở những quốc gia khác nhau: Ví dụ, trong chuẩn nghề nghiệp GV Úc, đó là: 1) GV mới vào nghề; 2) GV có kinh nghiệm; 3) GV giàu kinh nghiệm và 4) GV - người lãnh đạo.
Ở Ukraina hiện nay tồn tại 4 trình độ chuyên môn: Chuyên viên, chuyên viên loại I, loại II và chuyên viên cao cấp. Đáng chú ý là chuẩn nghề nghiệp GV yêu cầu rất cao những kiến thức và kỹ năng mà nhà giáo cần phải có để đáp ứng từng trình độ chuyên môn. Qua đó, cho phép GV tự đánh giá và xác định trình độ của mình, cũng như biết được những kiến thức và kỹ năng cần có để đáp ứng trình độ tiếp theo. Ngoài ra, trong quá trình đánh giá GV, các nhà nghiên cứu giáo dục xác định rõ ràng các căn cứ để xác định trình độ cụ thể cho GV.
Cơ sở đánh giá giáo viên
Việc chính phủ Ukraina xây dựng chuẩn nghề nghiệp GV không chỉ hữu ích đối với giáo viên mà còn đối với lãnh đạo nhà trường, giúp người quản lý hiểu được những gì GV cần phải có ở mỗi giai đoạn phát triển nghề nghiệp của mình. Chuẩn cũng hữu ích đối với các bậc phụ huynh, vì khi biết trình độ chuyên môn của nhà giáo, họ hiểu GV phải làm việc như thế nào, nhiệm vụ là gì và điều gì có thể mong đợi.
Do đó, chuẩn nghề nghiệp GV vừa là cơ chế đánh giá, tự đánh giá vừa là lý tưởng mà GV cần vươn tới trong quá trình phát triển nghề nghiệp.
Đồng thời, GV cũng xem chuẩn là cơ sở để giao tiếp với các đồng nghiệp, phụ huynh và lãnh đạo nhà trường. Điều này thể hiện tính chất giao tiếp và xã hội của chuẩn. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng quá trình dạy học là một quá trình xã hội và người học sẽ hiệu quả hơn khi họ có cơ hội trao đổi ý kiến và cùng nhau giải quyết các tình huống có vấn đề.
Như vậy, chuẩn nghề nghiệp GV sẽ trở thành động lực để hình thành các cộng đồng nghề nghiệp - nơi nhà giáo có thể trao đổi kinh nghiệm và các vấn đề, đưa ra ý tưởng giải quyết, thực thi những ý tưởng này trên thực tế và thảo luận kết quả. Hiện nay, chuẩn nghề nghiệp GV càng trở nên đặc biệt quan trọng và hữu ích khi, nhiều GV phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa, giao tiếp trực tuyến với HS, cha mẹ HS, đồng nghiệp.